Xuất hiện thêm ‘đầu tàu kinh tế mới’, ngoài TP.HCM và Hà Nội

TP.HCM - Ảnh 1.

TP.HCM sở hữu nhiều lợi thế vượt trội, thu hút doanh nghiệp lớn về làm “tổ” – Ảnh: BÔNG MAI

Các địa phương tham gia cuộc đua bứt phá

Trong bối cảnh Việt Nam có 34 tỉnh/thành sau sáp nhập, một bản đồ địa kinh tế phiên bản mới dần hình thành. Những địa phương trước đây bị phân tán, nay trở thành nơi trọng điểm về kinh tế quốc gia về quy mô và cả nội lực doanh nghiệp, đa dạng ngành nghề.

Theo dữ liệu được Vietnam Report vừa công bố, trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn bậc nhất (VNR500), TP.HCM và Hà Nội tiếp tục là hai “đầu não kinh tế”, chiếm gần một nửa tổng số. Xếp phía sau là Đồng Nai, Hải Phòng, Hưng Yên và Tây Ninh, cho thấy xu hướng hình thành các hành lang sản xuất mới và trải dài từ Bắc vào Nam.

Ở các tỉnh thành Tây Nam Bộ như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ hay khu vực Tây Nguyên như Gia Lai cũng đã xuất hiện lực lượng doanh nghiệp lớn, thể hiện sức bật từ các ngành nông nghiệp chế biến, thủy sản và năng lượng tái tạo.

Trong bảng xếp hạng doanh nghiệp có khả năng sinh lời tốt (PROFIT500), TP.HCM và Hà Nội tiếp tục là hai trung tâm lợi nhuận. 

Tuy nhiên các địa phương như Đồng Nai, Hải Phòng, Tây Ninh và Đà Nẵng nổi lên với hiệu suất sinh lời ấn tượng, dù quy mô vừa, nhờ kiểm soát chi phí tốt, định vị thị trường hiệu quả và thu hút doanh nghiệp chế biến có tiềm lực tài chính mạnh.

Các tỉnh/thành không quá nổi bật về quy mô nhưng lại có doanh nghiệp sinh lời cao như Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Ninh, Lâm Đồng. Trong mô hình phát triển mới, hiệu quả quản trị và tối ưu hóa vận hành sẽ trở thành yếu tố quyết định không kém gì thị phần hay quy mô tài sản.

Đối với nhóm lợi thế về tốc độ tăng trưởng (FAST500), TP.HCM và Hà Nội vẫn dẫn đầu về số doanh nghiệp. Đáng chú ý, Phú Thọ, Bắc Ninh, Gia Lai, Khánh Hòa, Cần Thơ cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp trẻ tăng trưởng vượt trội. 

Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, An Giang, Lâm Đồng tiếp tục góp mặt, cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống sang tăng trưởng đổi mới. Đây là những “vùng sáng” của bản đồ kinh tế giai đoạn mới.

Cơ hội trao cho đồng bằng, cao nguyên, duyên hải đến biên giới

Bản đồ hành chính thay đổi, nhưng bản đồ phát triển còn thay đổi sâu sắc hơn, từ cách xác định vai trò địa phương đến cách phân bổ kỳ vọng trong chuỗi giá trị quốc gia.

Theo chuyên gia của Vietnam Report, trong không gian phát triển mới, doanh nghiệp chính là điểm tựa định vị vùng đất. Nơi nào có doanh nghiệp quy mô lớn, sinh lời hiệu quả, tăng trưởng bứt phá, nơi ấy sẽ trở thành cực phát triển trong mô hình tỉnh/thành trọng điểm kinh tế quốc gia.

Chính quyền cần dũng cảm phân quyền và kiến tạo, mở đường cho những sáng kiến phát triển vùng. Doanh nghiệp cần sẵn sàng dẫn đầu và bứt phá trong những không gian kinh tế mới. Nhà đầu tư cần tin vào giá trị dài hạn và sức bật nội lực địa phương. Khi cả ba cùng hành động, những miền đất mới không chỉ là cái tên mới trên bản đồ, mà trở thành động lực thật sự.

Tái thiết quốc gia không nằm ở việc thay ranh giới, mà ở chỗ xác lập lại vị trí chiến lược từng địa phương. Khi định danh bằng năng lực, bất kỳ tỉnh/thành nào, từ đồng bằng đến cao nguyên, từ duyên hải đến biên giới… đều có thể trở thành trọng điểm kinh tế quốc gia trong thời đại mới.

Xếp hạng các địa phương dựa vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo Vietnam Report:

Đầu tàu kinh tế mới: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Tây Ninh, Hưng Yên. Hội tụ đủ doanh nghiệp lớn, sinh lời cao và tăng trưởng nhanh, với hệ sinh thái doanh nghiệp toàn diện, đóng vai trò điều phối chuỗi giá trị vùng và hội nhập toàn cầu.

Đất lành cho doanh nghiệp sinh lời: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Lâm Đồng, Vĩnh Long. Nổi bật về hiệu suất sinh lời, môi trường kinh doanh ổn định, doanh nghiệp vận hành tinh gọn và có tiềm năng phát triển chiều sâu.

Cánh tay mới của công nghiệp hóa: Phú Thọ, Bắc Ninh, Gia Lai, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Quảng Ngãi. Dù không phải trung tâm truyền thống, nhóm này đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tốc độ tăng trưởng cao và sức hút nhà đầu tư mới.

TP.HCM - Ảnh 2.

Xếp hạng dựa trên ba trụ cột phát triển về tổng số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, sinh lời hiệu quả và tăng trưởng bứt phá – Nguồn: VNR

Ngoài TP.HCM và Hà Nội, địa phương nào đứng thứ hạng cao về tiềm lực kinh tế sau sáp nhập? - Ảnh 4.Không gian kinh tế mới sau sáp nhập

Việt Nam còn 34 tỉnh thành từ ngày 1-7. Cải cách này phản ánh yêu cầu cấp thiết trong việc tổ chức lại không gian phát triển, cơ cấu lại phân bổ nguồn lực và định hình lại chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.