Vùng đặc quyền kinh tế có tiềm năng điện gió hơn 1.000 GW

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Khí tượng Thủy văn xác định vùng EEZ có tiềm năng điện gió 1.068 GW, cao hơn báo cáo trước đây gần 470 GW.

Chiều 18/4, trong buổi công bố báo cáo “Đánh giá chi tiết tiềm năng tài nguyên gió các vùng ven biển (đến 6 hải lý) và các khu vực xa bờ ở Việt Nam” do Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi gồm toàn vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam có thể khai thác là 1.068 GW, tính ở độ cao 100 m.

Trong đó, tháng 11 đến tháng 2 hàng năm, tổng công suất chiếm một nửa cả năm, tháng 12 cao nhất sau đó giảm dần, thấp nhất là tháng năm. Tổng công suất vùng biển phía nam là 894 GW, phía bắc 174 GW.

Tiềm năng vùng ven bờ đến 6 hải lý, tổng công suất kỹ thuật là 57,8 GW. Trong đó, vùng biển Bạc Liêu – Cà Mau chiếm gần 30%, Ninh Thuận – Bình Thuận 24 GW, Quảng Trị – Huế tiềm năng nhỏ nhưng ổn định tốc độ gió vào mùa đông, đồng bằng Bắc Bộ 0.17 GW.





Tuabin điện gió. Ảnh: Hoàng Táo

Tuabin điện gió. Ảnh: Hoàng Táo

Theo nhóm thực hiện, so với các nghiên cứu trước đây của Ngân hàng Thế giới năm 2021, đánh giá của Global Wind Atlas (GWA) thì báo cáo lần này cung cấp thông tin chi tiết, độ phân giải cao hơn cả về không gian lẫn thời gian.

“Đáng chú ý tiềm năng vùng EEZ lần này cao hơn báo cáo của WB 469 GW. Nguyên nhân chủ yếu nhờ phạm vi khảo sát rộng hơn và mô hình khí hậu được hiệu chỉnh kỹ lưỡng với dữ liệu thực đo trong nước”, nhóm báo cáo nói và cho biết. Ngoài ra, báo cáo cũng dùng mô hình WRF dành riêng cho Việt Nam nên độ chính xác cao hơn.

Cụ thể, kết quả trên đến từ dữ liệu gió của 26 trạm quan trắc khí tượng ven biển, hải đảo, dữ liệu vệ tinh CCMP, ASCAT, SCATSAT-1, cung cấp thông tin gió bề mặt biển trong 30 năm, dữ liệu quan trắc phao biển tại Nghệ An, dữ liệu độ sâu đáy biển.

Một điểm mới của báo cáo lần này là việc tích hợp khả năng ảnh hưởng của các điều kiện khí tượng cực đoan. Như bão và áp thấp nhiệt đới vào các tháng 8-10 hàng năm gây rủi ro đến kết cấu và an toàn tuabin. Gió mạnh, sóng cao thường xảy ra vào mùa đông bắc, có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận, bảo trì hệ thống điện gió.

Gia Chính