Vụ thâu tóm ‘đất vàng’ ở trung tâm TP.HCM: Ông Đinh Trường Chinh hưởng chênh lệch 970 tỉ đồng

Đinh Trường Chinh - Ảnh 1.

Khu vực số 36 và 42 đường Chu Mạnh Trinh là khu đất trống có cây xanh bao quanh trong hình (thuộc phường Sài Gòn, TP.HCM) – Ảnh: CHÂU TUẤN

Tuy nhiên trong quá trình điều tra, ông Đinh Trường Chinh không thừa nhận hành vi của mình là sai phạm. Còn ông Huỳnh Thế Năng không thừa nhận hậu quả gây thiệt hại 970 tỉ đồng.

Vinafood II sai phạm gì?

Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các ông Huỳnh Thế Năng (66 tuổi, cựu tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (51 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (64 tuổi, cựu phó tổng giám đốc Vinafood II) về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo hồ sơ, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) là công ty 100% vốn nhà nước. Đơn vị này được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất tại số 33 Nguyễn Du và số 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Sài Gòn, TP.HCM (phường Bến Nghé, quận 1 cũ).

Thực hiện sắp xếp, xử lý bốn cơ sở nhà đất theo chỉ đạo của Chính phủ, Vinafood II hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (hơn 766 tỉ đồng) và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào năm 2010. Mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất kinh doanh (khách sạn, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại).

Thời điểm năm 2014-2015 do kinh doanh thua lỗ nên Vinafood II có chủ trương bán bốn cơ sở, nhà đất trên để thu hồi vốn đã đầu tư, bù lỗ, trả nợ vay và bổ sung vốn kinh doanh. Khi biết được chủ trương này, ông Đinh Trường Chinh đã đại diện Công ty Việt Hân ký nhiều văn bản gửi đến Vinafood II đặt vấn đề xin mua lại khu đất.

Để không phải qua đấu giá, ông Chinh đã trao đổi, thống nhất với ông Năng lấy lý do Vinafood II phải liên kết với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để tiếp tục thực hiện dự án và Vinafood II.

Sau khi ông Năng hoàn tất các thủ tục xin chủ trương và được chấp thuận, ông Năng và ông Chinh thỏa thuận giá chuyển nhượng bốn cơ sở nhà, đất trên là 730 tỉ đồng.

Dù lý do thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn là để tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư theo công năng đã được phê duyệt nhưng thực chất là để hợp pháp hóa cho việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thông qua việc chuyển nhượng trước một phần giá trị đất 570 tỉ đồng và chuyển nhượng phần còn lại trị giá 160 tỉ đồng dưới hình thức Vinafood II thoái 20% vốn góp).

Ông Đinh Trường Chinh hưởng chênh lệch 970 tỉ đồng ra sao? 

Đinh Trường Chinh - Ảnh 2.

Ông Đinh Trường Chinh

Hợp đồng góp vốn và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 23-12-2015 giữa Vinafood II và Công ty Việt Hân có thể hiện mục đích là thực hiện dự án và ông Chinh cam kết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Thế nhưng chỉ sau 33 ngày nhận chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất từ Vinafood II, ông Chinh đã bán 99% vốn góp (thực tế là 99% giá trị khu đất) cho Công ty Mùa Đông đại diện pháp luật với giá 1.683 tỉ đồng.

Theo cơ quan điều tra, để che giấu việc chuyển nhượng khu đất cho Công ty Mùa Đông, ông Chinh sử dụng bà Trần Ngọc Cẩm Hồng (em họ ông Chinh, quốc tịch Canada) làm trung gian cho việc chuyển nhượng này.

Cụ thể ngày 30-1-2016, ông Chinh đại diện Công ty Việt Hân ký chuyển nhượng ngang giá 99% vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn (thực chất là 99% giá trị khu đất) cho bà Hồng với giá 792 tỉ đồng.

Đến ngày 2-2-2016, bà Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng 99% vốn góp này cho Công ty Mùa Đông với giá 1.683 tỉ đồng.

Sau khi Công ty Mùa Đông thanh toán đủ tiền vào tài khoản cá nhân bà Hồng thì số tiền chênh lệch 891 tỉ đồng được rút tiền mặt và nộp về lại tài khoản Công ty Việt Hân và ông Chinh.

Theo cơ quan điều tra, mặc dù đến nay ông Chinh không thừa nhận việc chuyển nhượng khu đất cho Công ty Mùa Đông thông qua người trung gian, không thừa nhận hưởng lợi nhưng có đủ căn cứ xác định ông Chinh nhận chuyển nhượng khu đất của Vinafood II với giá thấp (730 tỉ đồng), sau đó chuyển nhượng cho Công ty Mùa Đông với giá cao để hưởng chênh lệch 970 tỉ đồng.

Cựu tổng giám đốc Vinafood II không thừa nhận gây thiệt hại 970 tỉ đồng

Đinh Trường Chinh - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Thế Năng

Cơ quan điều tra cho rằng ông Năng tự thỏa thuận giá trị chuyển nhượng trái pháp luật khu đất cho Công ty Việt Hân. Từ đó gây thất thoát cho Nhà nước 970 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, ông Năng thừa nhận hành vi sai phạm của mình nhưng không thừa nhận gây thiệt hại 970 tỉ đồng.

Đối với ông Nguyễn Thọ Trí, cơ quan điều tra xác định ông cố ý giúp sức cho ông Năng thực hiện thủ tục hợp thức hóa cho việc chuyển nhượng trái pháp luật khu đất của Vinafood II.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Năng và ông Trí bắt nguồn từ nhận thức sai pháp luật, sai chỉ đạo của cấp trên và chưa có chứng cứ chứng minh hai ông này được hưởng lợi ích vật chất gì từ hành vi sai phạm.

Cách xác định thiệt hại vụ án gây tranh cãi?

Liên quan vụ án, sau khi có kết luận điều tra, luật sư của ông Huỳnh Thế Năng đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo luật sư, cốt lõi của vụ án là giao dịch liên doanh thoái vốn tại khu “đất vàng” giữa Vinafood II và đối tác tư nhân. Bản kết luận điều tra cho rằng ông Năng đã không tổ chức đấu giá khu đất, từ đó gây thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên theo kiến nghị của luật sư bào chữa, khu đất này không đủ điều kiện pháp lý để đấu giá do còn 32 hộ dân được cư trú hợp pháp từ năm 1975 theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa giải phóng mặt bằng và tồn tại tranh chấp.

Luật sư dẫn quy định tại Luật Đất đai 2013, nghị định 43/2014/NĐ-CP và nghị định 71/2013/NĐ-CP cho thấy khu đất không đáp ứng điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn ngày 15-9-2015, cho phép Vinafood II được liên doanh để triển khai dự án và thoái vốn nhằm xử lý nợ và tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp.

Quá trình góp vốn, Vinafood II đã đàm phán thoái vốn với giá 730 tỉ đồng, cao hơn giá thị trường được hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự năm 2019 và 2020 xác định.

“Điều này cho thấy không có thiệt hại xảy ra, ngược lại còn gia tăng giá trị tài sản nhà nước. Tuy nhiên kết luận điều tra lại bỏ qua các kết luận định giá chính thức và dựa vào một giao dịch dân sự giả cách chuyển nhượng sau khi Vinafood II thoái vốn để xác định thiệt hại 970 tỉ đồng là một cách tính gây nhiều tranh cãi”, luật sư phân tích.

Luật sư cho rằng hành vi góp vốn có sai sót về thủ tục đất đai nhưng không gây thiệt hại và được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, không thể cấu thành tội hình sự.