Vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long: Bước đầu dự kiến chi trả bảo hiểm trên 14 tỉ đồng

Vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long: Bước đầu dự kiến chi trả bảo hiểm trên 14 tỉ đồng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng đã cẩu chiếc tàu lên để đưa vào bờ trong đêm xảy ra tai nạn – Ảnh: T.HOA

Trước sự việc thương tâm của vụ lật tàu du lịch tại vịnh Hạ Long, cập nhật với Tuổi Trẻ Online vào hôm nay 24-7, hãng bảo hiểm Generali Việt Nam cho biết đã phối hợp nhanh chóng để triển khai các hoạt động hỗ trợ cần thiết cho khách hàng bị ảnh hưởng.

Tính đến hiện tại, Generali đã phát hành thư chấp nhận chi trả, để thực hiện giải quyết quyền lợi bảo hiểm với tổng số tiền 6,25 tỉ đồng cho hai nạn nhân.

Trong khi đó, phía Manulife cho hay đã xác định được ba trường hợp nạn nhân là khách hàng tham gia bảo hiểm tại công ty, ước tính chi trả tổng cộng hơn 6 tỉ đồng. Hiện tại gia đình nạn nhân đang lo hậu sự, sau khi mọi việc hoàn tất, công ty sẽ hướng dẫn các thủ tục cần thiết để nhận chi trả bồi thường.

Bảo Việt Nhân thọ xác nhận có sáu khách hàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai và Tuyên Quang là nạn nhân vụ lật tàu. Công ty đã trực tiếp thăm hỏi, hỗ trợ gia đình hoàn thiện hồ sơ, ưu tiên chi trả sớm, tổng quyền lợi dự kiến hơn 1,2 tỉ đồng. Riêng ba hợp đồng kèm quyền lợi “miễn đóng phí” sẽ được kích hoạt ngay, tiếp tục duy trì đầy đủ bảo vệ, tích lũy và đầu tư đến hết thời hạn.

Nhiều công ty khác như Dai-ichi, AIA, Prudential… cũng tham gia xác minh, hỗ trợ nạn nhân theo đúng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã được hai bên ký kết.

Ngoài bảo hiểm nhân thọ do một số nạn nhân tự tham gia trước đó, cả tàu Vịnh Xanh 58 và hành khách đều được bảo hiểm phi nhân thọ.

Cụ thể, tàu được mua bảo hiểm tại Bảo Long, hiệu lực từ ngày 14-4-2025 đến 14-4-2026, bao gồm trách nhiệm dân sự với hành khách và tai nạn thuyền viên, mức chi trả tối đa 30 triệu đồng/người.

Đối với hành khách, gói bảo hiểm du lịch do liên danh gồm Bảo Việt, BSH, PTI và MIC cung cấp. Là đơn vị đứng đầu liên danh, Bảo Việt đã phối hợp cơ quan chức năng, cử nhân sự đến hiện trường cứu nạn và hỗ trợ gia đình nạn nhân. Gói bảo hiểm tích hợp mã QR trên vé, hỗ trợ định danh nhanh và chi trả minh bạch, tối đa 30 triệu đồng/người.

Song song còn có bảo hiểm tín dụng (AAA) tham gia hỗ trợ trong khối phi nhân thọ, liên quan đến vụ lật tàu du lịch ở vịnh Hạ Long…

Theo quy trình thông thường, sau khi người được bảo hiểm qua đời, thân nhân sẽ nộp giấy chứng tử và các hồ sơ liên quan để công ty bảo hiểm thẩm định, ra quyết định chi trả. 

Tuy nhiên, trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động ghi nhận thông tin, xác minh quyền lợi và ra quyết định chi trả trước, thay vì chờ hoàn tất toàn bộ hồ sơ. Sau quyết định này, thân nhân chỉ cần bổ sung các giấy tờ còn thiếu theo quy định để nhận tiền bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi. 

Bồi thường lớn cho người và tài sản bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đã chi trả hàng nghìn tỉ đồng cho những khách hàng cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do các vụ thiên tai, cháy nổ nghiêm trọng gây ra.

Đáng chú ý, bão Yagi (tháng 9-2024) là một trong những thiên tai gây thiệt hại nặng nề, khiến nhiều người bị thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 9.000 vụ tổn thất tài sản. Tổng số tiền yêu cầu bồi thường bảo hiểm ước tính 12.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp như PVI, Bảo Việt, PTI, MIC, BIC, PJICO… đã nỗ lực triển khai giám định, tạm ứng bồi thường, hỗ trợ khách hàng 24/7 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Hay vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội, 2023) khiến 56 người tử vong, nhiều nạn nhân – thân nhân được chi trả từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Điều này cũng thể hiện vai trò của bảo hiểm trong hỗ trợ người dân và phục hồi sau thảm họa.