Chủ doanh nghiệp buôn lậu đất hiếm khóc tại tòa
Chiều 12/5, sau nửa ngày công bố nội dung cáo trạng, HĐXX TP Hà Nội xét hỏi 27 bị cáo trong vụ án khai thác, buôn lậu đất hiếm từ Yên Bái sang Trung Quốc.
Lên bục khai báo trả lời đầu tiên, bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) thừa nhận các sai phạm như cáo trạng quy kết.
Ông Huấn trình bày, Công ty Thái Dương được thành lập từ năm 2002, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Khi thành lập, doanh nghiệp có 3 cổ đông và duy trì đến năm 2023 thì tăng vốn lên 350 tỷ đồng. Bị cáo là người đại diện pháp luật, điều hành công ty.
Theo bị cáo Huấn, trong hơn 10 năm hoạt động, công ty đã nhiều lần thay đổi giấy phép kinh doanh. Cá nhân bị cáo cũng không nhớ rõ hết ngành nghề kinh doanh cụ thể, chỉ nhớ hoạt động chính là khai thác quặng, đất hiếm.
Khi Chủ tọa hỏi, tổng tài sản (cả lưu động và thực tế) của công ty cho đến năm 2023 là bao nhiêu tiền? Bị cáo Huấn nói “không nhớ, vì tất cả đã giao cho kế toán” nhưng vẫn “áng chừng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng”.
Trình bày hoạt động khai thác đất hiểm, ông Huấn cho hay, Công ty Thái Dương có 2 nhà máy đặt tại Yên Bái. Theo ông, để khai thác đất tại mỏ xã Yên Phú, huyện Văn Yên, doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) cấp giấy phép khai thác từ 2013.
Chủ tịch Công ty Thái Dương khẳng định để được cấp giấy phép không phải gặp ai để “xin xỏ”, bởi thời điểm đó chưa nhiều người biết đến đất hiếm.
Liên quan đến quá trình xây dựng nhà máy, ông Huấn khai, từ năm 2013 đã xin được cấp phép nhưng đến năm 2018 mới xin được xây dựng mỏ do gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo giấy phép, đầu tiên bị cáo phải xây nhà máy khai thác, tuyển đất hiếm nhưng Chính phủ sau đó yêu cầu phải bổ sung hai nhà máy chế biến sâu.
“Bị cáo đã hoàn thành một cái ở Yên Bái và được các nước đến tham quan, đánh giá tiêu chuẩn. Theo dự kiến, đến tháng 6/2024 sẽ xây dựng thêm nhà máy chiết tách tại Hải Phòng”, ông Huấn trả lời.
Đánh giá về hành vi bị quy kết trong cáo trạng, Chủ tịch Công ty Thái Dương cho rằng, do nhận nhận thức hạn chế nên chỉ biết khoáng sản sau khi khai thác không được xuất khẩu thô.
“Nếu bị cáo thực hiện đúng giấy phép và các quy định khác kèm theo giấy phép làm gì có hành vi khai thác trái phép tài nguyên?”, HĐXX hỏi. Ông Huấn bật khóc, nói “mong xem xét cho bị cáo, cái gì bị cáo cũng nhận hết, không sao đâu”.
Sau khi trấn an tinh thần bị cáo, HĐXX hỏi thêm liên quan đến hành vi khai thác đất hiếm tại mỏ ở xã Yên Phú, theo bị cáo nhận thức có sai phạm gì không? Ông Huấn sụt sùi, tay gạt nước mắt nói “việc truy tố bị cáo là không sai”.
![]() |
Bị cáo Đoàn Văn Huấn. |
Trình độ hết lớp 8, từng có 3 tiền án
Liên quan đến hành vi buôn bán quặng, đất hiếm, bị cáo Đoàn Văn Huấn trình bày, sau khi khai thác đã bán cho nhiều bị cáo khác trong vụ án như Đặng Trần Chí, Giám đốc công ty TNHH thương mại vận tải Hợp Thành Phát; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam,… Ông đánh giá hành vi buôn bán này do không hiểu rõ quy định. “Tưởng chỉ cấm xuất khẩu quặng thô thôi chứ không biết cấm cả việc bán cho các công ty trong nước”, bị cáo nói.
Đối với vấn đề sổ sách kế toán, thu chi của công ty, ông Huấn khai, do bản thân mới học hết lớp 8 nên giao cho bộ phận kế toán bằng văn bản.
Trước đó, trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa buổi sáng, ông Huấn khai báo có 3 tiền án năm 1980, 1989 và 1990 về các tội “Xuất nhập cảnh trái phép; Đầu cơ; Buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Trong cáo trạng, Viện kiểm sát cho rằng năm 2013, do sai phạm của các cựu cán bộ thuộc Bộ TN&MT, dù hồ sơ Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện vì thiếu vốn, thiếu hai nhà máy thủy luyện tại Yên Bái và nhà máy chiết tách tại Hải Phòng vẫn được cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, huyện Văn Yên, Yên Bái.
Theo cáo trạng, trước khi khai thác, Công ty Thái Dương phải nộp thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt cho Sở TN&MT tỉnh Yên Bái. Song đến thời điểm khởi tố vụ án, công ty này vẫn chưa lập.
Có đến 5 sai phạm của doanh nghiệp này được Viện kiểm sát xác định là: Không thông báo ngày bắt đầu khai thác mỏ; không lắp trạm cân, chưa lắp đặt camera giám sát để theo dõi lượng quặng; khai thác dù không được thuê, sử dụng đất; không thực hiện đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Công ty của ông Huấn theo quy định sẽ phải hợp tác với đối tác Nhật Bản để xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm. Song ông đã hợp tác với bị cáo Lưu Vũ (quốc tịch Trung Quốc) để chỉ sơ chế quặng đất hiếm tạo ra sản phẩm là tổng oxit đất hiếm có độ sạch 18 – 20%, trong khi giấy phép yêu cầu độ sạch tới 99,9%.
Công ty cũng bán tinh quặng sắt sang Trung Quốc, dù quy định phải bán cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.
Ngoài sai phạm trên, ông Huấn còn bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên tại công ty Thái Dương thực hiện gian lận kế toán, bán “chui” khoáng sản cho hai công ty: Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại vận tải Hợp Thành Phát, gây thiệt hại hơn 9 tỷ đồng thuế cho Nhà nước. Hai công ty này sau đó tiếp tục bán “chui” cho công ty khác hoặc gian lận sổ sách kế toán, mua khống hóa đơn để hợp thức hóa số đất hiếm mua từ Thái Dương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Công ty Thái Dương cũng bị cáo buộc buôn lậu cho một người Trung Quốc số quặng đất hiếm trị giá gần 8 tỷ đồng.
Trong tội “Gây ô nhiễm môi trường”, ông Huấn bị cáo buộc đã chỉ đạo nhân viên xả trái phép hơn 350.000 tấn chất thải ra môi trường, trong đó thải thạch cao 2.425 tấn và bùn thải quặng 348.770 tấn.