Nghệ AnQuyết định xóa bỏ mô hình thành phố thuộc tỉnh khiến giấc mơ “Vinh – thành phố biển” dang dở và việc sáp nhập Cửa Lò cuối năm 2024 không còn nhiều ý nghĩa như kỳ vọng.
Vinh là vùng đất có vị trí chiến lược tại miền Trung, từng nhiều lần thay đổi tên gọi trong lịch sử như Kẻ Vinh, Vinh Giang, Vinh Doanh, Vinh Thi. Năm 1788, vua Quang Trung xây dựng đế đô tại phường Trung Đô, đặt tên Phượng Hoàng Trung Đô. Đây là cơ sở quan trọng hình thành nên thành phố Vinh ngày nay.
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử TP Vinh, cho biết có nhiều quan điểm về mốc ra đời đô thị Vinh. Một số ý kiến cho rằng đó là năm 1804, khi vua Gia Long dời trấn thành Nghệ An từ Lam Thành – Phù Thạch (Hưng Nguyên) về Vinh. Tuy nhiên, giới chức sau này thống nhất chọn mốc năm 1788.
Theo ông Cần, tên gọi gốc của vùng này là Vịnh hoặc Vĩnh, trước đây gọi là Vịnh Yên hay Yên Trường. Năm 1885, người Pháp tiếp quản thành Nghệ An và phát âm chệch chữ “Vịnh” thành “Vinh” do ngữ pháp tiếng Pháp không có dấu nặng. Tên gọi “Vinh” sau đó dần được sử dụng chính thức trên giấy tờ và báo chí.

Thành Nghệ An năm 1927. Ảnh: Tư liệu Vinh Xưa
Từ năm 1778 đến 1885, Vinh hầu như không phát triển. Điểm nổi bật duy nhất là Thành Nghệ An do vua Gia Long xây làm tỉnh lỵ. Phố xá không có. Đường từ Bến Thủy vào trung tâm Vinh quanh co, chỗ rộng nhất chỉ hơn 2 m. Từ năm 1885, sau khi chiếm thành Nghệ An, người Pháp bắt đầu mở mang đường nội thành, kêu gọi tư bản nước ngoài đầu tư vào các ngành gỗ, diêm, điện, đồ hộp. Giai đoạn này, công nghiệp và hạ tầng Vinh bắt đầu phát triển.
Trong khoảng 1899-1917, các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định lần lượt chỉ đạo lập trung tâm đô thị tại Vinh, Bến Thủy và Trường Thi. Đến năm 1927, Toàn quyền Đông Dương thành lập thành phố Vinh – Bến Thủy trên cơ sở sáp nhập ba trung tâm này.
Từ năm 1928, Vinh phát triển mạnh về công nghiệp với các nhà máy chính như Diêm Bến Thủy, Xe lửa Trường Thi, Điện SIFA Bến Thủy, Chế biến gỗ, Sản xuất đồ hộp Lapique… Nhà máy Diêm Bến Thủy được xem là cơ sở công nghiệp quan trọng của xứ Nghệ, từng sản xuất gần 200 triệu bao/năm và xuất khẩu. Sản lượng điện của Vinh chiếm 50% Trung Kỳ, lượng tiêu thụ tại đây chiếm 25% toàn Trung Kỳ, gấp hai lần Đà Nẵng và nhiều lần so với các địa phương khác.
Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), hoạt động đầu tư của người Pháp vào Vinh giảm sút. Toàn tỉnh chỉ tập trung làm hai hệ thống thủy nông Bắc và Nam Nghệ An. Tại Vinh, công trình mới duy nhất xây là rạp chiếu phim Majestic năm 1934. Công nghiệp ở Vinh đi xuống do đình công, bãi công, máy móc hư hại, giao thông đường sắt bị chia cắt, gây thiệt hại nặng nề. Năm 1935, nhà máy Diêm Bến Thủy đóng cửa sau thời gian dài cầm cự.

Nhà máy diêm Bến Thủy, thương hiệu nổi tiếng của Vinh và tỉnh Nghệ An đầu thế kỷ 20, đã đóng cửa vào năm 1935. Ảnh: Tư liệu Vinh Xưa
Giai đoạn 1935-1945, Vinh phát triển chậm. Đầu năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhà cửa, công trình tại Vinh bị phá bỏ để cản bước tiến quân địch. Nhà máy Xe lửa Trường Thi, Điện SIFA Bến Thủy cũng chung số phận. Nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận sau đó Vinh “gần như không còn gì”. Thành phố chỉ còn là những bãi gạch vụn trong khoảng 5 năm, dân cư sơ tán đến các vùng quê.
Sau năm 1954, chính quyền mất gần 10 năm xây dựng lại Vinh. Phố xá chủ yếu là nhà tranh. Nhà máy điện Vinh được xây với sự trợ giúp của Liên Xô. Đại học Sư phạm Vinh được thành lập, các nhà máy gỗ, dệt, cơ sở sản xuất nhỏ được khôi phục. Giai đoạn này Vinh được mô tả là “nghèo mà thanh bình”.
10 năm tái thiết bị phá hủy bởi hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ (1965-1968 và 1972). Bom đạn phá sạch mọi thứ, không còn ngôi nhà nguyên vẹn. Phim tư liệu thời đó mô tả “cả thành phố là một bãi bom, chỉ còn vài ngôi nhà lác đác”.
Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Cộng hòa Dân chủ Đức đã hỗ trợ Vinh xây dựng lại hạ tầng đô thị. Các công trình tiêu biểu gồm khu chung cư Quang Trung, chợ Vinh, Nhà thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động… Ước tính có hơn 30 công trình được thực hiện, nhưng mọi thứ chững lại sau năm 1980 khi chuyên gia Đức về nước.
Từ sau năm 1990, Vinh có bước phát triển về hạ tầng với các công trình lớn ban đầu do Nhà nước xây dựng như cầu Bến Thủy, khách sạn Kim Liên, Hữu Nghị. Năm 2002, tòa nhà cao tầng đầu tiên (Tecco) xuất hiện. Cùng năm, vỉa hè đường phố được lát gạch, các khu đô thị mở rộng ra vùng ngoại thành. Giai đoạn 2003-2004 sôi động về kinh tế, thương mại, hình thành các phố chuyên doanh.
Từ 2010 đến nay, tốc độ đô thị hóa của Vinh được đẩy nhanh hơn. Nhiều khu đô thị lớn, hiện đại hình thành. Giáo dục, y tế, hạ tầng giao thông phát triển. Kinh tế Vinh luôn nằm trong tốp đầu Bắc Trung Bộ.
Ngày 1/12/2024, TP Vinh có thay đổi lớn khi sáp nhập với thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc. Vinh có diện tích mới 166,22 km2, dân số 580.66 với 33 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố có địa giới giáp biển, huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và Biển Đông.
Theo dự thảo nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được HĐND TP Vinh thông qua ngày 25/4, khu vực đô thị trung tâm và ngoại thành sẽ thành lập 5 phường, đánh số thứ tự (Vinh 1 đến Vinh 5); đồng thời sáp nhập khu vực Cửa Lò cũ thành phường Cửa Lò mới.

Một góc thị xã Cửa Lò, đô thị biển này vừa sáp nhập vào TP Vinh hồi đầu tháng 12/2024, nay chuẩn bị tách ra thành một phường mới theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh. Ảnh: Đức Hùng
Ông Phan Đức Đồng, Bí thư Thành ủy Vinh, cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí như diện tích, dân số, tiềm năng phát triển và yếu tố văn hóa – lịch sử. Đặc biệt, tên “Cửa Lò” cần được giữ lại để phát huy giá trị du lịch.
Trước đó, thành phố có đưa ra phương án 2 là giữ nguyên phường Cửa Lò và đặt tên các phường trung tâm TP Vinh theo các tên truyền thống như Vinh, Quang Trung, Quán Bàu, Hà Huy Tập, Cửa Hội. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến người dân, đa số đều thống nhất phương án đặt tên phường nội thành là Vinh, gắn số thứ tự 1-5.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Mạnh Cường, trú TP Vinh, đánh giá việc sử dụng số là cách tiếp cận khá mới mẻ, mang lại tính hệ thống và thuận tiện cho quản lý hành chính số hóa, dễ nhớ, dễ gọi. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương án này là có nguy cơ làm mai một giá trị văn hóa, lịch sử của các địa danh lâu đời.
Ông Cường cho rằng để bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của TP Vinh, chính quyền cần triển khai những giải pháp đồng bộ như: lập bản đồ di sản văn hóa chi tiết cho từng phường mới; duy trì tên gọi truyền thống trong các hoạt động văn hóa, du lịch; ban hành chính sách đặc thù để phát huy giá trị của các di tích lịch sử quan trọng; tăng cường giáo dục lịch sử địa phương, đặc biệt cho thế hệ trẻ.
Nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Phạm Xuân Cần tán thành sự cần thiết của mô hình chính quyền hai cấp, nhưng ông vẫn băn khoăn khi mô hình quản lý cũng như tên gọi thành phố Vinh không còn. Thay vì là một đô thị lớn thống nhất, sắp tới TP Vinh sẽ bị chia thành nhiều đơn vị hành chính cấp xã nhỏ hơn.
“Điều này làm giảm ý nghĩa của cuộc sáp nhập thị xã Cửa Lò vào Vinh cuối năm 2024 – vốn được kỳ vọng sẽ giúp Vinh có biển và trở thành thành phố biển”, ông Cần nói, cho rằng việc này có thể phá vỡ tính chỉnh thể, sự thống nhất và liên kết chặt chẽ của đô thị Vinh.

Trung tâm TP Vinh, tháng 4/2025. Ảnh: Đức Hùng
Nhà nghiên cứu phân tích thêm, các đô thị như Vinh vốn được quy hoạch theo phân khu chức năng rõ ràng. Việc chia tách thành nhiều phường độc lập có thể khiến công tác quy hoạch phải làm lại từ đầu, dẫn đến tình trạng manh mún, đi ngược xu hướng phát triển đô thị cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
Ông Cần đề xuất chuyển nguyên trạng thành phố Vinh thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc tỉnh Nghệ An chứ không chia nhỏ thành các phường khác nhau. Điều này giúp thành phố giữ được sự thống nhất, quy hoạch ổn định, và bảo tồn văn hóa, lịch sử.
“Vinh cần chính quyền đô thị tự chủ để quản lý hiệu quả quy hoạch, logistics, kinh tế số, môi trường, chia nhỏ các phường sẽ hạn chế tầm nhìn chiến lược, khả năng phối hợp, sức hút đầu tư, khó phát huy vai trò trung tâm vùng. Đây là điều kiện quan trọng để Vinh phát triển bền vững”, ông Trần Mạnh Cường khẳng định.