Vị trí ba cây cầu nối Đồng Nai – TP.HCM vừa được lãnh đạo hai địa phương chốt nằm ở đâu?

Đồng Nai - Ảnh 1.

Vị trí ba dự án cầu đường kết nối TP.HCM – Đồng Nai – Ảnh: Sở GTCC TP.HCM

Tại buổi làm việc ngày 25-4, UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn bạc, thống nhất việc triển khai đầu tư xây dựng ba cây cầu kết nối hai địa phương gồm cầu thay phà Cát Lái, cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2.

Ba dự án thành phần cầu đường thay phà Cát Lái

Đồng Nai - Ảnh 2.

Dự án cầu Cát Lái – Ảnh: Sở GTCC TP.HCM

Cầu Cát Lái là cầu dây văng, 8 làn xe. Điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức (cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m); điểm cuối kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành tại huyện Nhơn Trạch.

Dự kiến dự án cầu đường thay phà Cát Lái sẽ được chia thành ba dự án thành phần độc lập. 

Đầu tiên là dự án cải tạo mở rộng đường Nguyễn Thị Định dài 1,6km với khoảng 3.800 tỉ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 3.600 tỉ đồng) do UBND TP.HCM thực hiện, đầu tư từ vốn ngân sách.

Dự án thành phần thứ hai xây dựng đường nối từ cầu Cát Lái đến cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 6,6km với mức vốn khoảng 5.000 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 1.300 tỉ đồng. Dự án thành phần đầu tư công do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện.

Dự án xây dựng cầu Cát Lái dài 4,8km được triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) – hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng mức vốn khoảng 10.500 tỉ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư khoảng 5.400 tỉ đồng (51%), còn lại vốn ngân sách.

Quy mô cầu Đồng Nai 2 và cầu Phú Mỹ 2

Đồng Nai - Ảnh 3.

Dự án cầu Đồng Nai 2 – Ảnh: Sở GTCC TP.HCM

Dự án cầu Đồng Nai 2 có quy mô 8 làn xe với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 18.584 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 11.004 tỉ đồng. Điểm đầu cầu giao với đường vành đai 3 TP.HCM tại nút giao Gò Công, TP Thủ Đức, TP.HCM, điểm cuối giao quốc lộ 51 tỉnh Đồng Nai.

Dự án dự kiến chia thành ba thành phần. Trong đó dự án thành phần 1 đường nối từ vành đai 3 TP.HCM đến cầu Đồng Nai 2 dài 5,4km. Kinh phí dự án khoảng 1.500 tỉ đồng do TP.HCM thực hiện.

Dự án thành phần 2 xây dựng cầu Đồng Nai 2 khoảng 3.500 tỉ đồng và đường nối từ cầu Đồng Nai 2 đến quốc lộ 51 dài 6km khoảng 1.400 tỉ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện.

Dự án cầu Phú Mỹ 2 cũng có quy mô 8 làn xe với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 21.484 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 6.250 tỉ đồng. Điểm đầu cầu giao đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai; điểm cuối tại đường Nguyễn Hữu Thọ (trục Bắc – Nam), huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Vị trí ba dự án cầu đường gần 60.000 tỉ đồng nối TP.HCM - Đồng Nai vừa được lãnh hai địa phương chốt - Ảnh 4.

Dự án cầu đường Phú Mỹ 2 dự kiến cũng sẽ chia thành ba dự án thành phần – Ảnh: Sở GTCC TP.HCM

Cầu Phú Mỹ 2 là công trình giao thông quan trọng kết nối các trục giao thông và các khu đô thị, công nghiệp lớn tại Nhơn Trạch, quận 7, Nhà Bè để phát triển đô thị – công nghiệp khu vực phía đông TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng.

Đáng chú ý, cầu Phú Mỹ 2 theo quy hoạch nằm trong tuyến trục chính lưu thông nhanh (ít gián đoạn, ít giao cắt) từ TP.HCM đến sân bay quốc tế Long Thành.

Các điểm kết nối chính về đường bộ giữa TP.HCM và Đồng Nai

Theo quy hoạch, TP.HCM và tỉnh Đồng Nai có 8 điểm kết nối chính về đường bộ. Ngoài ba điểm kết nối cầu đường như đã nêu ở trên, hai địa phương còn có các điểm kết nối như quốc lộ 1 (cầu Đồng Nai 8 làn xe), cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (cầu Long Thành hiện trạng 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe).

Cao tốc Bến Lức – Long Thành (cầu Phước Khánh giai đoạn 1 có 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe). Vành đai 3 TP.HCM (cầu Nhơn Trạch giai đoạn 1 có 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe). Hai dự án này đều đang được thi công, hoàn thiện toàn bộ vào năm sau. Riêng cầu Nhơn Trạch sắp hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác.

Một tuyến đường rất đẹp rất được chờ đợi chính là trục đường ven biển phía nam từ Gò Công (Tiền Giang) qua Cần Giờ, cảng Phước An, kết nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành (8 làn xe).

Về đường sắt, có các dự án kết nối gồm tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu; đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành đang triển khai. Về đường sắt đô thị, tuyến metro số 1 TP.HCM sẽ được kéo dài đến Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.