
Những nghi ngờ về uy tín của Fed có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và lãi suất dài hạn, tác động lớn đến doanh nghiệp và túi tiền của người dân Mỹ – Ảnh: AFP
Những lời công kích liên tục của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell và tính độc lập của Fed đã khiến thị trường tài chính toàn cầu rúng động. Nhà đầu tư hoang mang bán tháo cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và đồng USD.
Phản ứng mạnh mẽ này cho thấy tính độc lập của Fed không chỉ là vấn đề chính trị mà còn là nền tảng quan trọng cho sự ổn định kinh tế Mỹ.
Xung đột Trump – Powell
Bất đồng giữa ông Trump và Fed bắt nguồn từ việc nhà lãnh đạo Mỹ muốn cơ quan này nhanh chóng cắt giảm lãi suất để tránh nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên ông Jerome Powell kiên quyết giữ lãi suất ổn định ở mức từ 4,25 – 4,5% kể từ đầu năm nay. Ông Trump cáo buộc Fed “chơi trò chính trị” khi đã cắt giảm lãi suất ba lần trong năm trước.
Tuần qua, ông Powell cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông Trump sẽ làm tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng nhiều hơn dự kiến. Lãnh đạo ngân hàng trung ương nhấn mạnh Fed có “nghĩa vụ” đảm bảo áp lực giá cả không biến thành vấn đề lạm phát dai dẳng, ngầm chỉ ra khả năng hạ lãi suất là rất thấp.
Phát biểu này lập tức hứng chịu chỉ trích dữ dội từ ông Trump kèm theo đe dọa sa thải ông Powell.
“Đúng như tôi dự đoán, gần như không có lạm phát nhưng nền kinh tế có thể chậm lại trừ khi ông quá muộn, một kẻ thua cuộc thảm hại, hạ lãi suất, NGAY BÂY GIỜ” – ông Trump viết trên mạng xã hội. Phản ứng thị trường diễn ra tức thì với hàng loạt chỉ số quan trọng như Dow, S&P, Nasdaq đồng loạt rớt mạnh.
Dù vậy, ông Powell vẫn kiên quyết bảo vệ tính độc lập của Fed, lập luận rằng luật pháp không cho phép tổng thống sa thải ông trừ trường hợp vi phạm pháp luật.
“Tôi hoàn toàn có ý định phục vụ hết nhiệm kỳ của mình (đến 2026)” – ông khẳng định hồi đầu tháng. Hầu hết chuyên gia pháp lý đều đồng tình với quan điểm này.
Ngày 23-4, ông Trump đổi giọng khi tuyên bố không có ý định sa thải lãnh đạo Fed. Tuy nhiên, chính quyền của ông vẫn đang tìm cách thách thức sự độc lập về chính trị của cơ quan này.
Theo báo New York Times, Tòa án tối cao Mỹ đang xử lý một vụ việc liên quan đến khả năng tổng thống được sa thải nhân viên của các cơ quan độc lập. Nếu tòa án đứng về phía ông Trump, Tổng thống Mỹ có thể dần giành được quyền kiểm soát chính sách tiền tệ và phần lớn hệ thống tài chính.
Sức mạnh kinh tế của Fed
Theo các chuyên gia Phố Wall, việc hạ lãi suất quá sớm hay cách chức lãnh đạo Fed đều có thể gây ra tác động lớn đến nền kinh tế. Những nghi ngờ về uy tín của Fed có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và lãi suất dài hạn tăng, đồng nghĩa với chi phí vay cao hơn cho doanh nghiệp và các khoản tín dụng, vay mua ô tô, thế chấp và nhiều dịch vụ tài chính khác.
“Bất kỳ sự giảm sút nào về tính độc lập của Fed cũng sẽ làm tăng rủi ro cho triển vọng lạm phát vốn đã chịu áp lực lớn từ thuế quan và kỳ vọng lạm phát tăng cao” – nhà kinh tế Michael Feroli của JPMorgan nhận định.
Fed nắm giữ quyền lực to lớn đối với nền kinh tế Mỹ. Khi cắt giảm lãi suất ngắn hạn (thường diễn ra trong thời kỳ kinh tế suy yếu), Fed giúp chi phí vay mượn trở nên rẻ hơn, khuyến khích chi tiêu, thúc đẩy tăng trưởng và tuyển dụng.
Ngược lại, khi tăng lãi suất để hạ nhiệt kinh tế và chống lạm phát, Fed có thể gây ra tình trạng mất việc làm. Đây là lý do giới kinh tế ủng hộ ngân hàng trung ương độc lập, giúp họ dễ dàng thực hiện các biện pháp chống lạm phát hiệu quả.
Cấu trúc của Fed cũng được thiết kế để chống lại áp lực bên ngoài. Đây là một tổ chức hỗn hợp với Hội đồng Thống đốc được tổng thống bổ nhiệm và quốc hội phê chuẩn.
Tuy nhiên, cơ quan chính sách tiền tệ – Ủy ban Thị trường mở liên bang – bao gồm các chủ tịch của 12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực, được các hội đồng địa phương lựa chọn thay vì Nhà Trắng. Những đại diện khu vực này luân phiên bỏ phiếu về các quyết định lãi suất, giúp Fed tránh khỏi tác động đảng phái.
Do đó, theo nhiều nhà kinh tế, ngay cả việc sa thải ông Powell cũng không hẳn sẽ giúp ông Trump hạ được lãi suất.
“Việc sa thải ông Powell chỉ là bước đầu tiên trong việc phá bỏ sự độc lập của Fed. Nếu ông Trump quyết tâm hạ lãi suất thì ông ấy cũng sẽ phải sa thải sáu thành viên khác của Hội đồng Fed. Điều này sẽ gây ra phản ứng dữ dội hơn trên thị trường” – nhà kinh tế Paul Ashworth của tổ chức Capital Economics nhận định.
Bài học từ lịch sử
Các nghiên cứu trong nhiều thập niên đã chứng minh mối liên hệ giữa sự can thiệp chính trị vào chính sách tiền tệ với tình trạng bất ổn kinh tế.
Trường hợp điển hình là vào thập niên 1970, khi Tổng thống Richard Nixon gây sức ép buộc Chủ tịch Fed Arthur Burns giữ lãi suất thấp trước cuộc bầu cử. Ông Burns đã tuân thủ và hậu quả là lạm phát ở Mỹ tăng lên hai chữ số.