Vì sao chứng khoán quay đầu giảm điểm, rủi ro đảo chiều liệu có xuất hiện?

chứng khoán - Ảnh 1.

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán vẫn sôi động với thanh khoản vượt 30.000 tỉ đồng – Ảnh: AI vẽ

Trong phiên sáng 15-7, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng. Tuy nhiên từ khoảng 14h15, lực cung chốt lời bất ngờ tăng mạnh tại các nhóm cổ phiếu đã tăng nóng những phiên trước, đặc biệt là nhóm chứng khoán và ngân hàng.

Đồng thời áp lực bán cũng lan rộng sang các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, VHM, VIC, khiến VN30 mất gần 12 điểm và VN-Index giảm gần 10 điểm.

Có đáng ngại?

Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Nguyên Khoa – trưởng nhóm vĩ mô thị trường Chứng khoán BIDV (BSC) – nhận định phiên điều chỉnh hôm nay là diễn biến bình thường sau 7 phiên tăng liên tục, không có vấn đề hay thông tin gì đáng lo ngại.

Ông Khoa cũng cho rằng mức giảm hôm nay không quá lớn. Thị trường vẫn cho thấy sự phân hóa rộng và khối ngoại duy trì mua ròng. Đây có thể xem là nhịp điều chỉnh chủ động để giảm áp lực tỉ trọng dư nợ margin trước khi bước vào xu hướng tăng mới.

Cũng theo chuyên gia BSC, xu hướng tăng dài hạn luôn cần có sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cùng với đó là sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành.

Trong khi đó ông Nguyễn Thế Minh – giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho rằng còn quá sớm để nhận định về một xu hướng rõ ràng của thị trường chứng khoán sau phiên vừa qua.

Nhưng ông Minh thiên nhiều về khả năng chỉ là một nhịp điều chỉnh thông thường, diễn ra sau giai đoạn tăng điểm kéo dài của thị trường. Đặc biệt với sự trở lại mua ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, tâm lý thị trường hiện khá tích cực.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng chỉ ra một số rủi ro hiện hữu có thể gây áp lực lên thị trường trong ngắn hạn. Theo đó, nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá mua về mặt kỹ thuật.

Mức định giá P/E của VN-Index hiện tiệm cận ngưỡng trung bình 10 năm (vượt qua mức trung bình 5 năm), phản ánh thị trường đang ở trạng thái “quá mua” (overbought) trong ngắn hạn, dễ dẫn tới áp lực điều chỉnh.

“Dù chưa thể kết luận đây là dấu hiệu đảo chiều, rủi ro thị trường giảm nhẹ trong ngắn hạn là khá cao”, ông Minh nhận định.

Đáng chú ý khác, đà tăng gần đây chủ yếu tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm Vingroup. Điều này tiềm ẩn rủi ro khi nếu xuất hiện lực chốt lời mạnh tại các cổ phiếu đã tăng nóng, chỉ số VN-Index sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

“Thị trường cần một nhịp điều chỉnh để củng cố đà tăng. Mức định giá không còn rẻ và trạng thái quá mua hiện khá mạnh, nên điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết để xu hướng tăng trung và dài hạn được bền vững hơn”, ông Minh phân tích.

Ẩn số biến động tỉ giá

Về yếu tố vĩ mô, ông Nguyễn Thế Minh nhận định chỉ số USD (DXY) có khả năng tăng trong thời gian tới khi Fed nhiều khả năng duy trì lãi suất cao trong thời gian dài do lo ngại lạm phát, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang có xu hướng tăng.

Khi đồng USD mạnh lên, áp lực tỉ giá của Việt Nam có thể gia tăng, nhất là khi giai đoạn trước tỉ giá USD/VND đã tăng ngay cả khi USD thế giới yếu. Đây là yếu tố vĩ mô quan trọng có thể ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn, theo ông Minh.

Mặc dù cảnh báo các rủi ro trên, ông Minh khẳng định đây chỉ là điều chỉnh ngắn hạn và rủi ro lớn nhất – liên quan đến chiến tranh thương mại và thuế quan – đã giảm bớt. Mục tiêu 1.500 điểm của VN-Index trong năm nay vẫn khả thi, theo ông Minh.

Ngoài ra, dòng vốn ngoại tiếp tục mua ròng mạnh gần đây cũng tạo tâm lý tích cực. 

“Dù giá trị mua ròng của khối ngoại không chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giao dịch, tác động tâm lý tới nhà đầu tư trong nước là rất lớn. Khi khối ngoại vẫn mua ròng, nhà đầu tư trong nước sẽ yên tâm và ít có xu hướng bán tháo trong các nhịp điều chỉnh”, ông Minh nhấn mạnh.

Áp lực rung lắc từ các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể vẫn tiếp tục

Theo chuyên gia Agriseco Research, áp lực bán gia tăng khi thị trường đang tiến về vùng đỉnh lịch sử 1.480-1.500 sau giai đoạn tăng tốc từ giữa tháng 6-2025 mà chưa hề có nhịp điều chỉnh tích lũy nào.

Về mặt định giá, VN-Index có mức P/E hiện tại đạt 14,34 lần, chớm vượt 1 lần độ lệch chuẩn 3 năm nên nhìn chung đã ra khỏi vùng định giá rẻ – hợp lý để tiến vào vùng định giá cao. Ngoài ra, lịch đáo hạn phái sinh đang tới gần nên diễn biến tâm lý nhà đầu tư dễ có nhiều biến động hơn.

Chuyên gia Agriseco Research dự báo áp lực rung lắc – điều chỉnh của chỉ số chính từ các cổ phiếu vốn hóa lớn có thể vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong một vài phiên sắp tới. Dòng tiền trước mắt có thể sẽ tìm tới các cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng nhiều, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu cơ ngắn hạn trong nhịp rung lắc của thị trường.