Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội tờ trình về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đáng chú ý, so với tờ trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 28/4, tờ trình ra Quốc hội hôm nay đã rút nội dung đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa so với quy định hiện hành trong một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giao thông đường bộ.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. Ảnh: Như Ý |
Cũng liên quan đến vấn đề giao thông đường bộ, dự luật sửa đổi quy định, với địa bàn Hà Nội, khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương, mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ.
Ngoài ra, quy định mức phạt này cũng được đề xuất trong các lĩnh vực vi phạm về bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm.
Không khả thi và khó xác định
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay, việc bổ sung quy định địa bàn thành phố Hà Nội được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần trong một số lĩnh vực là không cần thiết.
Cụ thể, Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm tương ứng trong các lĩnh vực: “Văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
“Do đó, trường hợp không bổ sung nội dung này thì việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thủ đô vẫn được áp dụng riêng theo quy định của Luật Thủ đô”, ông Tùng nói.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Như Ý |
Về việc bổ sung một số lĩnh vực được áp dụng mức phạt tăng gấp 2 lần đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương khác, Ủy ban đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn.
Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm cơ sở xem xét nội dung này khi sửa đổi toàn diện luật, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Mặt khác, theo cơ quan thẩm tra, quy định khu vực nội thành như trong dự thảo luật cũng chưa thực sự phù hợp, không khả thi và khó xác định, nhất là trong điều kiện nhiều địa phương đang tiến hành sắp xếp, sáp nhập.
Theo khoản 1, 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định mức phạt vi phạm giao thông cao nhất đối với cá nhân là 75 triệu đồng, tổ chức là 150 triệu đồng.