Ví điện tử, ngân hàng có thể không được để nghẽn giao dịch quá 30 phút

Ngân hàng Nhà nước muốn các ngân hàng, ví điện tử đảm bảo thời gian gián đoạn giao dịch online tối đa 30 phút mỗi lần, trừ bất khả kháng hoặc bảo trì đã báo trước.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 15, quy định về dịch vụ thanh toán không tiền mặt. Một nội dung mới được đưa ra là quy định cụ thể về thời gian tối đa các dịch vụ ngân hàng, ví điện tử trực tuyến bị gián đoạn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải đảm bảo tổng thời gian gián đoạn cung ứng toàn bộ dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán trực tuyến không quá 4 giờ mỗi năm và tối đa 30 phút mỗi lần, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước 3 ngày.

Nếu xảy ra sự cố gây gián đoạn dịch vụ quá 30 phút, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán cần báo cáo Ngân hàng Nhà nước trong vòng 4 giờ. Đồng thời trong 3 ngày làm việc từ khi khắc phục xong, đơn vị này phải gửi báo cáo đầy đủ cho Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian qua, Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết nhận được phản ánh của người dân khi ứng dụng của một số ngân hàng hoặc tổ chức trung gian thanh toán báo lỗi không thể đăng nhập ứng dụng hay giao dịch, đặc biệt trong các dịp cao điểm (lễ, Tết). Điều này khiến nhiều khách hàng bức xúc khi không thể quét mã QR thanh toán, hoặc có tình trạng nghẽn mạng, giao dịch bị treo tiền mặt dù tài khoản của khách hàng đã bị trừ tiền nhưng bên nhận tiền chưa nhận được. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng không có thông báo chính thức, xử lý sự cố chậm hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống nhưng không thông báo trước cho khách hàng.

Vì thế, việc bổ sung quy định này theo Ngân hàng Nhà nước là cần thiết để bảo vệ quyền lợi khách hàng và nâng cao trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hầu hết nước khác cũng quy định thời gian gián đoạn tối đa trong khoảng 4 giờ mỗi năm. Singapore, Trung Quốc cũng quy định thời gian gián đoạn tối đa 4 giờ một năm. Một số nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu khắt khe hơn, ví dụ tối đa 15 phút mỗi lần sự cố, yêu cầu các ngân hàng phải có kế hoạch dự phòng và hệ thống dự phòng để đảm bảo tính liên tục của dịch vụ. Các tổ chức phải thực hiện kiểm tra định kỳ và báo cáo về tình trạng hệ thống. Họ cũng có chế tài xử lý, như phạt tiền hoặc thu hồi giấy phép hoạt động nếu tổ chức vi phạm yêu cầu về thời gian gián đoạn.





Thông báo gián đoạn giao dịch trực tuyến của một ngân hàng. Ảnh: Thanh Lê

Thông báo gián đoạn giao dịch trực tuyến của một ngân hàng. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh đó, tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng siết quy định về việc sử dụng bí danh, biệt danh trong giao dịch.

Lâu nay, nhiều trường hợp đã lợi dụng việc ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng bí danh, biệt danh (Alias, nickname) thay cho số hiệu, tên tài khoản thanh toán, từ đó đặt tên gần giống với các thương hiệu uy tín để lừa đảo. Bên cạnh đó, việc sử dụng bí danh, biệt danh trong có thể dẫn tới nguy cơ chuyển tiền nhầm, do không hiện đầy đủ thông tin số hiệu tài khoản và tên tài khoản khi lập lệnh thanh toán.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán kiểm tra, kiểm soát lệnh thanh toán, đảm bảo thể hiện đúng số hiệu tài khoản thanh toán, tên tài khoản thanh toán trong đơn mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng khi giao dịch, và hiển thị đầy đủ trên chứng từ.

Quỳnh Trang