
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi – Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 9-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Điều hòa dưới 18.000 BTU không phải chịu thuế?
Theo ông Mãi, trên cơ sở các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo với nhiều điểm mới trên cơ sở góp ý. Điểm đáng chú ý là việc xác định đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ, khi nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế do đã trở nên phổ biến.
Dù vậy trong dự thảo mới được chỉnh lý, cơ quan thẩm tra thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 – 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế.
Điều này đồng nghĩa các mặt hàng điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU sẽ không thu thuế.
Góp ý kiến tại phiên thảo luận sau đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang – phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội – đánh giá cao việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo về đề xuất không đưa mặt hàng điều hòa có công suất dưới 18.000 BTU và trên 90.000 BTU vào diện thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên ông Giang cho rằng qua khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến từ các kỹ sư cho thấy tại các đô thị chung cư có từ 1-3 phòng, đặc biệt là phòng khách lớn, nếu cùng lắp đặt một điều hòa công suất 24.000 BTU cho 3 phòng sẽ giúp vừa tiết kiệm điện vừa giảm chi phí cho người dân.
Trong khi đó, đây là loại đang ngày càng trở nên phổ biến ở đô thị, đặc biệt là chung cư. Vì vậy ông Giang kiến nghị cần tăng thêm diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa.
Cụ thể chỉ nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng điều hòa có công suất từ 24.000 BTU trở lên và dưới 90.000 BTU.
Vẫn đề nghị cân nhắc đánh thuế cho điều hòa
Đại biểu Mai Thanh Hải (đoàn Đắk Nông) cho rằng hoan nghênh tiếp thu cơ quan soạn thảo không áp dụng thuế với điều hòa nhiệt độ công suất dưới 18.000 BTU và trên 90.000 BTU.
Tuy nhiên ông cho rằng các mặt hàng này chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các phòng có diện tích nhỏ, phòng cá nhân, trong khi các phòng rộng cho tập thể, phòng học đông người, phòng bệnh, những nơi sinh hoạt thiết yếu khác vẫn phải sử dụng điều hòa công suất lớn.
Do đó ông đề nghị cân nhắc điều chỉnh mức áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng này để phù hợp với thực tế.
Ông Trần Văn Khải – phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – cho rằng máy điều hòa nhiệt độ ngày nay không còn là hàng xa xỉ, mà đã trở thành nhu cầu phổ biến. Việc đánh thuế không làm giảm nhu cầu, mà còn đánh vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh thuế vào mặt hàng xa xỉ.
Do đó ông Khải đề nghị cần loại bỏ điều hòa nhiệt độ dân dụng (dưới 90.000 BTU) ra khỏi danh mục chịu thuế, trường hợp cần thiết chỉ nên áp thuế với các điều hòa công suất cực lớn và cần đánh giá kỹ hiệu quả.
“Việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho điều hòa dân dụng sẽ hỗ trợ trực tiếp người dân (giảm giá thành, nhất là người thu nhập thấp sẽ dễ tiếp cận thiết bị chống nóng), đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước mở rộng thị trường.
Chính sách thuế hợp lý với điều hòa vừa thể hiện tinh thần nhân văn, vừa phù hợp xu hướng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường hiện nay” – ông Khải nêu vấn đề.