Từ vụ thu hồi mỹ phẩm liên quan Đoàn Di Băng: Khi nào được tiêu hủy hàng hóa?

Từ vụ thu hồi mỹ phẩm liên quan Đoàn Di Băng: Khi nào được tiêu hủy hàng hóa? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc – Ảnh: Cục Quản lý thị trường Phú Yên

Trong vụ việc thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm không đạt chất lượng liên quan đến công ty của chồng ca sĩ Đoàn Di Băng, bên cạnh việc đề nghị xử phạt vi phạm hành chính thì trong văn bản gửi Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai còn có nội dung giao “Công ty TNHH EBC có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đối với hai sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body”.

Việc này khiến dư luận lo ngại việc để công ty tiêu hủy sản phẩm sẽ gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra hay điều tra (nếu có) và quy trình xử lý hành chính được quy định như thế nào?

Phải có quyết định xử phạt hành chính mới được tiêu hủy hàng hóa

Theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM), khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền sẽ lập biên bản vi phạm hành chính. 

Sau đó, cơ quan có thẩm quyền thu thập, xác minh có hay không có vi phạm hành chính, tính chất mức độ thiệt hại, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, đối tượng vi phạm hành chính, thời hiệu xử phạt và xem xét có dấu hiệu hình sự hay không để chuyển hồ sơ vụ việc.

Tiếp đó, cơ quan chức năng phải xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt và thẩm quyền xử phạt. 

Trước khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền gửi thông báo yêu cầu giải trình cho cá nhân, tổ chức vi phạm (trừ trường hợp xử phạt tại chỗ). 

Người vi phạm có quyền trình bày ý kiến, chứng cứ chứng minh, đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ, có thể mời luật sư hoặc đại diện pháp lý hỗ trợ. Nếu không giải trình đúng thời hạn, việc xử phạt vẫn được thực hiện theo quy định.

Căn cứ vào kết quả xác minh và giải trình, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo luật sư Lĩnh, hành vi sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm, và sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng có hình phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Hành vi thiếu mẫu nhãn sản phẩm (PIF) bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng. 

Hình phạt bổ sung bao gồm: đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.

 Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm và sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Biện pháp thu hồi và tiêu hủy cũng áp dụng đối với hành vi kinh doanh mỹ phẩm thiếu mẫu nhãn sản phẩm (PIF).

Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm được liệt kê tại khoản 1 điều 2 nghị định 117/2020/NĐ-CP, người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. 

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự trả lại hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định này.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khi nhà sản xuất tự mình phát hiện sản phẩm mình bán ra thị trường có nhầm lẫn, sai sót, không đáp ứng đúng tiêu chuẩn đã công bố, không đảm bảo an toàn… thì nhà sản xuất sẽ quyết định thu hồi sản phẩm. Nếu hàng đã bán cho các đại lý, nhà sản xuất phải thông báo với đại lý, niêm phong lô hàng, ghi chú sản phẩm đang chờ thu hồi và tiến hành thu hồi.

Tuy nhiên, đối với trường hợp cơ quan nhà nước vào cuộc phát hiện hàng hóa có vi phạm, cơ quan chức năng sẽ lập biên bản về việc vi phạm và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ có hình phạt chính và hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả. 

Vì vậy, khi chưa ban hành quyết định xử phạt thì chưa xác định hành vi đó đã vi phạm điều khoản nào của luật, nên không thể bắt doanh nghiệp phải bị áp dụng hình phạt bổ sung, khắc phục hậu quả (vì có nhiều hành vi vi phạm không có biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc tịch thu và tiêu hủy hàng hóa). 

Như vậy cơ quan chức năng chỉ có thể buộc thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hàng hóa khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Không lấy mẫu để kiểm nghiệm, sao dễ dàng cho tiêu hủy?

Theo luật sư Phát, trong vụ việc thu hồi mỹ phẩm không đạt chất lượng liên quan đến công ty của chồng ca sĩ Đoàn Di Băng, trước đó, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Quảng Trị kết luận hai sản phẩm đều đạt. Nhưng sau đó Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM lấy mẫu kiểm nghiệm cho kết quả kiểm nghiệm hai sản phẩm này không đạt yêu cầu.

Đến khi kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ kiểm tra về mặt hình thức (giấy phép, thông tin công bố…) và đương nhiên công nhận kết quả kiểm nghiệm của hai đơn vị kiểm nghiệm nêu trên, chứ không kiểm tra về chất lượng, không lấy mẫu để kiểm nghiệm, dù kết quả kiểm nghiệm của hai đơn vị kiểm nghiệm này chênh lệch nhau quá lớn.

“Bên cạnh đó, theo tôi, trong vụ việc này dù chưa có một quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào, nhưng Sở Y tế Đồng Nai đã giao Công ty EBC Đồng Nai có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đối với hai sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body là chưa phù hợp và mâu thuẫn.

Bởi chính trong báo cáo, cơ quan này cũng nêu “sau năm ngày làm việc để công ty có quyền giải trình, chánh thanh tra sở sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo luật định”. Vậy quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa được ban hành thì cơ sở nào cho phép công ty tiêu hủy hàng hóa vi phạm? 

Thậm chí trường hợp chưa ban hành quyết định xử phạt hành chính mà công ty tự nguyện tiêu hủy hàng hóa nêu trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh tra, kiểm tra về sau và đặc biệt là nếu cơ quan điều tra vào cuộc thì sẽ không còn chứng cứ để thu thập, không còn mẫu thử để kiểm nghiệm”, luật sư Phát nói.

Sở Y tế Đồng Nai điều chỉnh câu chữ trong báo cáo

Ngày 23-5, ông Lê Quang Trung – giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – ký văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) điều chỉnh lại nội dung báo cáo. Cụ thể, sửa từ đoàn kiểm tra nhận thấy vụ việc “không có dấu hiệu hình sự” thành “chưa phát hiện sai phạm phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra”.

Theo luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM), việc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho rằng “Đoàn kiểm tra nhận thấy vụ việc không có dấu hiệu hình sự” là vượt quá nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Y tế quy định tại khoản 8 điều 2 thông tư số 37/2021/TT-BYT. Việc kết luận có hay không có “dấu hiệu hình sự” là thuộc thẩm quyền của cơ quan công an chứ không phải trách nhiệm của cơ quan y tế.