Tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng phát triển trong kỷ nguyên mới

Nghệ AnTư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng trong nhiều lĩnh vực, là nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, theo các nhà nghiên cứu.

Chiều 18/5, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy TP HCM và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chủ tịch Hồ Chí Minh – biểu tượng cao đẹp của ý chí, khát vọng độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh “là nguồn năng lượng tinh thần bất diệt, tiếp tục dẫn đường cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới”. Đó cũng là nền tảng lý luận vững chắc để thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên phát triển mới là thực hiện các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.





GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo, chiều 18/5. Ảnh: Thành Duy

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo, chiều 18/5. Ảnh: Thành Duy

Báo cáo gửi đến hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Thị Phượng phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy chính trị và vận dụng tư tưởng của Người trong việc xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Theo thạc sĩ Phượng, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải tổ chức một bộ máy chặt chẽ, linh hoạt, tránh quan liêu, rườm rà, đề cao tính hiệu quả thực chất thay vì hình thức, cần có sự phân cấp hợp lý, tránh chồng chéo trách nhiệm và cản trở sự phối hợp hành động.

Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, khi tinh giản biên chế cần chú trọng đến nâng cao năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Sắp xếp tổ chức bộ máy cần tập trung vào việc giảm bớt các tổ chức hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Cần xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức một cách minh bạch, rõ ràng, dựa vào nhiều tiêu chí.

Bên cạnh tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nội dung phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được nhiều cơ quan, đại biểu gửi tham luận. TS Võ Xuân Hoài nêu 4 gợi ý nhằm vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong kỷ nguyên mới.





Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ảnh tư liệu

Theo TS Hoài, cần tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của thế giới; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ chiến lược; hoàn thiện thể chế, chính sách cho lĩnh vực này; thúc đẩy hợp tác công – tư và tập trung đầu tư hạ tầng cho khoa học, công nghệ, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phân tích khía cạnh thứ nhất, TS Võ Xuân Hoài cho rằng Việt Nam cần chủ động xây dựng hành lang công nghệ mở với các quốc gia dẫn đầu như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ không chỉ dừng lại ở việc ký kết hiệp định mà cần tiến xa hơn bằng việc thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo song phương.

Đặc biệt, Việt Nam cần nghiên cứu triển khai sáng kiến “Hộ chiếu công nghệ” với chính sách thị thực ưu tiên cho chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế đến làm việc trong các dự án công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm. Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam thu hút dòng vốn tri thức toàn cầu, đón đầu các làn sóng đổi mới sáng tạo mang tính nền tảng và tạo lập năng lực tự chủ công nghệ.

Kỷ nguyên mới đang đặt ra những yêu cầu chưa từng có đối với các quốc gia, trong đó chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, là lợi thế cạnh tranh cốt lõi. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hồi gửi tới hội thảo tham luận về vấn đề này, nêu những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người, giáo dục đào tạo, chiến lược “trồng người”… không chỉ có giá trị lịch sử mà còn chứa đựng những phương pháp luận khoa học, cách mạng, những định hướng chiến lược cần được kế thừa.





Các đại biểu tham dự hội thảo được tổ chức tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, chiều 18/5. Ảnh: Thành Duy

Các đại biểu tham dự hội thảo tổ chức tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, chiều 18/5. Ảnh: Thành Duy

Để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào phát triển nguồn nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới, TS Hồi đưa ra 7 giải pháp, trong đó có hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng và ban hành các chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài. Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cần tập trung hiện đại hóa và đa dạng hóa phương thức giáo dục.

Tiếp đó là phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững cho lao động; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nhân lực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh, công nghiệp phụ trợ chủ lực. Việt Nam cần tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ đạt mức các nước tiên tiến trong khu vực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực, tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác khu vực và toàn cầu, thu hút các chương trình đào tạo tiên tiến.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung đánh giá hội thảo nêu ra rất nhiều nội dung giá trị. Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp thu, vận dụng kịp thời các giá trị lý luận, thực tiễn từ hội thảo vào việc thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị; xây dựng chương trình hành động, hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh khá, vươn lên thành điển hình phát triển địa phương hiện đại trong kỷ nguyên mới.

“Đó cũng là cách thiết thực nhất để Nghệ An và các đơn vị, địa phương vận dụng sáng tạo, phát huy cao nhất ý chí, khát vọng độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Đức Trung nói.





Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, năm 1961. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, năm 1961. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh

Phát biểu kết luận, đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, khẳng định hội thảo đã luận giải, phân tích, đánh giá, làm sâu sắc thêm cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với khát vọng độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

“Các tham luận khẳng định tầm vóc, giá trị, sức sống trường tồn của di sản Hồ Chí Minh đối với Việt Nam và thế giới; gợi mở nhiều vấn đề nhằm tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới của dân tộc”, Bộ trưởng Lương Tam Quang nói.

Đức Hùng