Đà NẵngLần đầu tiên trên thế giới, một trung tâm tài chính quốc tế được tổ chức tại hai thành phố là Đà Nẵng và TP HCM, với chức năng phân định rõ ràng.
Tại buổi tiếp xúc cử tri các phường Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu và Hải Vân ngày 4/7, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho biết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua có ý nghĩa lịch sử. Bởi kỳ họp này không chỉ có số lượng luật và nghị quyết được thông qua lớn nhất từ trước đến nay (34 luật, 14 nghị quyết), mà còn vì các quyết định có tính chất cải cách sâu rộng, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp, thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội đã thông qua chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã, bỏ cấp quận, huyện. Thành phố Đà Nẵng mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, với diện tích gần 12.000 km2 và dân số hơn 3 triệu người. Thành phố mới sẽ là đô thị trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất trong sáu thành phố, và đứng thứ 11 cả nước. Đặc biệt, Đà Nẵng có một đơn vị hành chính đặc thù là huyện đảo Hoàng Sa.
Ông Quảng cho biết, toàn bộ địa bàn thành phố mới được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 136 của Quốc hội. “Đây là lợi thế hiếm có mà không phải địa phương nào cũng đạt được”, ông Quảng nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại buổi tiếp xúc cử tri, ngày 4/7. Ảnh: Nguyễn Đông
Quốc hội thông qua việc thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại hai địa điểm là TP HCM và Đà Nẵng. “Đây là lần đầu tiên trên thế giới có một trung tâm tài chính quốc tế được tổ chức tại hai thành phố”, ông Quảng nói, cho biết các chức năng sẽ được phân định rõ ràng để tránh cạnh tranh lẫn nhau.
Dù việc được chọn là địa phương đặt Trung tâm Tài chính quốc tế mang lại cơ hội lớn, ông Quảng nhìn nhận sẽ có những áp lực “không hề nhỏ”. Trên thế giới có 119 trung tâm tài chính, nhưng số thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Đà Nẵng cần tận dụng điểm mạnh về chất lượng sống, môi trường đầu tư, để phát triển các lĩnh vực như tài chính xanh, tài chính số, mô hình thử nghiệm có kiểm soát…”, ông nói, nhấn mạnh trung tâm tài chính không chỉ là nơi đặt các trụ sở giao dịch, mà phải là một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi vừa đáng sống, vừa đáng đầu tư.
Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được Quốc hội thông qua sáng 27/6, với trên 93,5% đại biểu tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/9. Việt Nam sẽ phát triển một trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại hai nơi là TP HCM và Đà Nẵng, với định hướng thống nhất quản lý, phát triển sản phẩm riêng biệt cũng như phát huy thế mạnh từng thành phố.
Theo đó, trung tâm tài chính tại TP HCM sẽ phát triển thị trường vốn, ngân hàng, thị trường tiền tệ, cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, cũng như thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới cũng được hình thành.
Còn Đà Nẵng, trung tâm tài chính quốc tế tại đây sẽ phát triển tài chính xanh, ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số… Thành phố cũng thử nghiệm có kiểm soát tài sản số, tiền số, thanh toán và thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ.
Nguyễn Đông