
Logo nhựa Bình Minh (bìa trái) và nhựa Bình Minh Việt (bìa phải) – Ảnh: T.L.
Nhiều bạn đọc cho rằng logo của nhựa Bình Minh và nhựa Bình Minh Việt tương đối giống nhau, cách đặt tên thương hiệu cũng na ná nhau đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Trong đó không ít bạn đọc cho biết đã bị nhầm lẫn, không thể phân biệt được đây là hai nhãn hiệu khác nhau.
“Nhà tôi bán ống nhựa dẫn nước mà còn suýt nhầm”
Bạn đọc Minh cho biết: “Nhà tôi bán ống nhựa dẫn nước mà tôi nhìn còn suýt nhầm lẫn chứ đừng nói người dân cả năm chưa chắc mua ống nhựa được dăm lần”.
Tôi là người tiêu dùng, nhìn thấy giống nhau, không phân biệt được có Công ty Bình Minh Việt trên thị trường”, bạn đọc Thơ cũng nêu ý kiến.
Ngạc nhiên hơn khi biết có thêm một nhãn hiệu Bình Minh nữa trên thị trường, bạn đọc có địa chỉ mail map*****@gmail.com viết: “Nếu không có vụ kiện này thì tôi cũng không biết nhựa Bình Minh và nhựa Bình Minh Việt là hai nhãn hiệu khác nhau”.
Theo nhiều bạn đọc khác, đã từng mua ống nhựa Bình Minh và được người bán đưa cho ống nhựa Bình Minh Việt.
Cụ thể bạn đọc có email ducl****@gmail.com kể chính câu chuyện của mình: “Hôm nay tôi mua van 34 của Bình Minh, khi về nhà thấy nghi ngờ xem lại thì của Bình Minh Việt. Ra chỗ bán hỏi lại thì người bán nói ông đại lý nói van Bình Minh bị lỗi nên đưa van Bình Minh Việt (?!)”.
Đưa ra thắc mắc về sự việc, bạn đọc có email dung****@gmail.com phân tích: “Sao họ không lấy bất kỳ một cái tên khác mà phải lấy Bình Minh Việt?
Cùng kinh doanh một mặt hàng mà chỉ cần thêm cái tên đệm thì tên thương hiệu của người khác thành của mình. Quá bi hài.
Nếu nói không nhầm lẫn là hoàn toàn sai. Nếu không có vụ kiện này, thực tế người dân vẫn không biết có Bình Minh Việt song song với Bình Minh”.
“Hai logo cùng là vòng tròn bao quanh chữ BM, Bình Minh Việt thì khoét thêm cái khuyết vào thành chữ V, mà nhìn chung thì giống nhau 70-80%, tên gọi thương hiệu cũng giống hoàn toàn luôn”, một bạn đọc khác nhận xét.
Sao không lấy tên khác mà phải là Bình Minh?
Bên cạnh sự nhầm lẫn của người mua trong thời gian qua, nhiều bạn đọc cũng lo ngại về việc bảo vệ bản quyền thương hiệu ở Việt Nam hiện nay.
Đề cập đến thực trạng này, một bạn đọc bày tỏ nếu tòa án cho rằng việc đặt tên thương hiệu na ná chỉ thêm chữ Việt là không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì trong tương lai sẽ có nhựa Bình Minh Việt Nam.
“Vì sao các nhãn hiệu “sinh sau” đã sản xuất ra một mặt hàng thì tại sao lại không chọn một cái tên khác, và vì sao các cơ quan đăng ký nhãn hiệu lại cho đăng ký nhãn hiệu giống nhau như vậy?”, một bạn đọc đặt câu hỏi.
Độc giả có email ntn.****@gmail.com có cùng thắc mắc: “Nghe cùng tên Bình Minh là đã thấy giống rồi, dân không biết cứ mua ống Bình Minh là bị 1 trong 2 thôi. Vậy sao không lấy tên khác?”.
Phân tích về sự “trùng hợp này”, bạn đọc tên Sáu cho rằng: “Cạnh tranh chân chính không dùng tên na ná nhau, “ăn theo” nhãn hiệu Bình Minh quá rõ. Không hiểu sao cơ quan đăng ký nhãn hiệu lại cho đăng ký nhãn Bình Minh Việt giống nhãn Bình Minh đến vậy?”
Trong khi đó, bạn đọc NP. bày tỏ không đồng tình với bản án của tòa tuyên: “Theo tôi, tên nhựa Bình Minh Việt và logo rất giống nhựa Bình Minh, và mục đích rõ ràng là muốn tạo sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Tòa xử vậy là chưa ổn, có thể ảnh hưởng đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong mắt người dân, doanh nghiệp. Sẽ tạo tiền đề cho hàng kém chất lượng làm na ná nhãn hiệu có chất lượng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh”.
“Tôi lấy ví dụ thế này. Nếu tại Hàn Quốc bỗng nhiên có một nhãn hàng lấy tên là Samsung Korea. Logo cũng na ná như vậy. Thay vì màu xanh Samsung nhưng nó lại là màu đỏ. Cũng kinh doanh như Samsung.
Tôi chắc chắn rằng nhãn hàng đó không thể tồn tại nổi một tuần chứ đừng nói là dây dưa đến tận bây giờ như ta.
Chính vì vậy Hàn Quốc mới sở hữu được cho mình những tập đoàn lớn và hùng mạnh đến như vậy”, bạn đọc Toàn Nguyễn thẳng thắng nêu quan điểm.