Trắng tay vì nước lụt

Thanh HóaThấy nước dâng cao khi bão Wipha đổ bộ, chị Na và chồng lùa đàn gà hơn 5.000 con lên chỗ cao song chỉ ít giờ sau tất cả bị nhấn chìm.

Một ngày sau bão tan, chị Vũ Thị Na, ở thôn Kiến Long, xã Vạn Lộc vào trang trại lượm xác gà chết đem đi tiêu hủy. Mồ hôi nhễ nhại, người phụ nữ ngoài 50 tuổi cố kéo bao tải quanh khu vườn ngập ngang đầu gối, vớt những con gà chết nổi lập lờ trên mặt nước.





[Cxc zaption]

Chị Vũ Thị Na vớt xác gà chết trong trang trại của gia đình đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Lê Hoàng

“Gà chết vì nước lên quá nhanh”, chị Na nói. Đầu năm nay, gia đình chị gom vốn liếng và vay mượn thêm hơn 200 triệu đồng đầu tư trại gà rộng 500 m2 với khoảng 5.000 gà thịt. Đàn gà lớn nhanh, nặng trung bình gần 2 kg, chuẩn bị xuất bán.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão từ sáng 22/7 Thanh Hóa bắt đầu mưa như trút. Đầu giờ chiều, nước đục ngầu dâng cao, tràn qua bờ ruộng, vượt qua sân rồi ngập lên khu chuồng của gia đình chị Na chỉ trong vài giờ.

Chị Na hối hả lấy xô, chậu tát nước, chồng lắp máy bơm nhưng “chỉ như muối bỏ bể”. Chủ trại cố gắng xua đàn gà lên mô đất cao, nhưng chỗ này sau đó cũng ngập. Sẩm tối, cả trang trại chìm trong biển nước mênh mông. Đàn gà hoảng loạn bay nháo nhác, dẫm đạp lên nhau rồi cứ thế chết dần.





[Capt xion]

Anh Nguyễn Văn Thắng bất thần khi hàng nghìn con gà của gia đình bị lụt nhấn chìm. Ảnh: Lê Hoàng

Chỉ hơn một tiếng, đàn gà chết hết, nằm rải rác khắp chuồng, trôi theo dòng nước ra ao. Chị Na nhìn chuồng nuôi trống hoác mà bất lực, tiếc nuối vì bao nhiêu công sức đầu tư bỗng chốc mất sạch. Gia đình ước tính thiệt hại 300 triệu đồng vì trận lụt “mấy chục năm mới thấy”.

Cũng ở thôn Kiến Long, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng nuôi 12.000 con gà. Thời điểm nước dâng cao, anh Thắng huy động họ hàng, bà con chòm xóm và cầu cứu chính quyền xã tới phụ giúp nên thiệt hại giảm đáng kể.

Bốn chiếc xe tải được người dân trong thôn đưa đến vận chuyển đàn gà lên khu chuồng cao hơn nên anh Thắng chỉ mất 2.500 con, ước thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Làm trang trại gần 20 năm, nhưng anh Thắng nói “chưa bao giờ chứng kiến trận mưa dữ dội và gây lụt diện rộng như lần này”.





[Caption]czxcz

Hàng loạt cây cổ thụ trên đường phố phường Hạc Thành bị bão quật đổ. Ảnh: Lê Hoàng

Trong thôn Kiến Long, nhiều hộ cũng nuôi gia cầm và đều bị thiệt hại như chị Na, anh Thắng. Ông Trịnh Văn Hiến, chuyên viên phòng Kinh tế, xã Vạn Lộc, cho hay toàn xã có hơn 170.000 gia cầm. Mưa lớn hai ngày qua có 10 trang trại bị ảnh hưởng với số lượng gia cầm (chủ yếu là gà thịt) bị chết, kiểm đếm sơ bộ lên đến hàng chục nghìn con.

Hiện lực lượng chức năng hỗ trợ người dân thu gom xác gà đi tiêu hủy, khử trùng chuồng trại, lên kế hoạch tái đàn cho vụ nuôi cuối năm.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân dự tỉnh Thanh Hóa, đến 16h ngày 23/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 20.100 con gà (loại 30-40 ngày tuổi) chết do trang trại bị sập hoặc ngập sâu; khoảng 3.000 con vịt nuôi thả bị cuốn trôi.

Bão Wipha đổ bộ Hưng Yên – Ninh Bình 10h trưa 22/7, sau đó đi vào Thanh Hóa, gây mưa lớn khiến nhiều khu dân cư ở vùng trũng thấp ngập. Nhiều tuyến phố biến thành sông, giao thông nhiều nơi tê liệt. Đêm qua và hôm nay, lượng mưa đã giảm đáng kể, nước hầu hết đã rút, chỉ còn lại một số nơi ngập cục bộ.





[Capticcon]

Cảnh sát huy động lực lượng cắt một cây xà cừ lớn bị bật gốc đổ ngang đại lộ Nguyễn Hoàng. Ảnh: Lam Sơn

Mưa bão đã khiến gần 25.000 ha lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác ở Thanh Hóa bị ngập, gãy đổ. Cơ quan chức năng cũng ghi nhận 10 đoạn đê ở các phường xã như Hoằng Châu, Định Hòa, Thọ Xuân, Bỉm Sơn… bị sạt trượt, hiện đã được khắc phục. Các quốc lộ 15, 15C, 16 và 47 đi miền núi, biên giới tại Thanh Hóa bị sạt lở. Sau nhiều giờ huy động nhân lực và phương tiện xử lý, các tuyến đường hôm nay đã thông trở lại.

Mưa lớn do bão Wipha còn khiến trạm bơm của nhà máy nước Mật Sơn bị ngập khiến 40.000 khách hàng mất nước. Hôm nay, nhà máy hoạt động trở lại, chỉ còn số ít hộ ở xa trung tâm, địa hình cao chưa có nước sinh hoạt.

Lê Hoàng