TP HCM ươm tạo startup ứng dụng blockchain

Hai quỹ đầu tư và Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tuyển startup ươm tạo, đón cơ hội từ chính sách tài sản số và trung tâm tài chính.

Chuyên đầu tư vào startup công nghệ mới, hai quỹ IDGX và SSI Digital Ventures kết hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) triển khai chương trình BlockStar Incubation Program 2025.

Chương trình sẽ lựa chọn 8 startup Web3 để đào tạo chuyên sâu kéo dài 10 tuần về phát triển sản phẩm, tuân thủ pháp lý, xây dựng cộng đồng, kết nối nhà đầu tư. Các đội còn được hỗ trợ xây dựng sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP – Minimum Viable Product), kiểm chứng nhu cầu thị trường và định hình kế hoạch gọi vốn.

Startup Web3 là các công ty khởi nghiệp dùng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ phi tập trung. Đây được xem là thế hệ kế tiếp của Internet, với tiềm năng ứng dụng trong tài chính, thương mại, giải trí và nhiều ngành khác.





TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS phát biểu tại sự kiện BlockStar Meetup thuộc chương trình BlockStar Incubation Program 2025 hôm 18/4. Ảnh ban tổ chức

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS phát biểu tại sự kiện BlockStar Meetup thuộc chương trình BlockStar Incubation Program 2025 hôm 18/4. Ảnh ban tổ chức

SSI Digital Ventures (SSID) là đơn vị đầu tư đổi mới tập trung các sáng kiến về tài sản số, cơ sở hạ tầng blockchain thuộc Công ty Chứng khoán SSI. Quỹ này có tổng vốn cam kết 200 triệu USD và danh mục đồng đầu tư hơn 500 triệu USD.

IDGX là quỹ tập trung vào các startup Web3, fintech và AI giai đoạn đầu, tách ra từ IDG Capital Vietnam. Ông Trần Việt Đức, Quản lý đối tác tại IDG Capital Vietnam và IDGX kỳ vọng chương trình góp phần đặt nền móng cho hệ sinh thái Web3 thực tiễn, bền vững tại Việt Nam.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng HIDS dự báo các startup ứng dụng blockchain thời gian tới có điều kiện thuận lợi hơn nhờ đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có khoảng 60 chính sách hỗ trợ, trong đó có nội dung về xây dựng khung pháp lý, cho phép cơ chế thí điểm (sanbox) các hoạt động công nghệ tài chính (fintech), blockchain và Web3.

“Đến nay, một số đơn vị cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ môi trường pháp lý rõ ràng để tham gia hệ sinh thái”, ông Vũ cho biết.

Bộ Tài chính mới đây cũng kiến nghị Chính phủ thừa nhận sự tồn tại và tiềm năng của tài sản số. Theo dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain), mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Cổng thanh toán Triple-A cho biết Việt Nam có đến 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa năm 2024, đứng hạng 7 toàn cầu. Dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam giai đoạn 2023-2024 đạt trên 105 tỷ USD với lợi nhuận tạo ra gần 1,2 tỷ USD (2023), theo Chainalysis.

Viễn Thông