
Sản phẩm do công ty sản xuất sữa giả đang bị điều tra cung ứng cho một bệnh viện
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM vừa ban hành kế hoạch về việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tập trung vào chuyên đề sữa.
Cao điểm kiểm tra từ nay đến ngày 30-5, tập trung nhiều vào nhóm sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt…
Nội dung kiểm tra bao gồm: giấy tờ pháp lý, hồ sơ công bố sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, nhân sự… Đặc biệt đoàn sẽ tập trung kiểm tra các nội dung liên quan đến quảng cáo – lĩnh vực đang nóng về sai phạm gần đây.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn sẽ lấy mẫu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do trưởng đoàn kiểm tra quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại nơi được kiểm tra.
“Mục tiêu của đợt kiểm tra lần này là nhằm đánh giá thực trạng chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế sự cố mất an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh.
Bên cạnh hoạt động kiểm tra, sở cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng thực phẩm kém chất lượng.
Thứ nhất, rà soát và tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Thứ hai, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ sở sản xuất – kinh doanh, đồng thời giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn thực phẩm an toàn.
Thứ ba, khuyến khích người dân phản ánh các dấu hiệu vi phạm thông qua đường dây nóng, nhằm tăng cường sự giám sát từ cộng đồng.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kêu gọi sự đồng hành của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vì sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình, xã hội.
TP.HCM có 296.000 sản phẩm được doanh nghiệp công bố và tự công bố
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh vấn đề sữa giả gây hoang mang dư luận gần đây, bà Phạm Khánh Phong Lan – giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM – cho biết quy trình công bố sản phẩm hiện nay chủ yếu dựa trên hồ sơ giấy tờ, nghĩa là doanh nghiệp nộp hồ sơ cam kết sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên việc sản xuất thực tế có đúng như cam kết, khai báo từ doanh nghiệp hay không lại gần như phải phụ thuộc vào công tác hậu kiểm sau đó.
Theo thống kê, TP.HCM đã có khoảng 296.000 sản phẩm được doanh nghiệp công bố và tự công bố.