‘TP HCM sau sáp nhập tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt cả nước’

Thành phố cần giữ vững vai trò động lực phát triển chính của vùng và của cả nước, là nơi xuất phát nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, theo Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thông tin được Tổng Bí thư Tô Lâm nói tại cuộc gặp cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng 21/4.





Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tại TP HCM, sáng 21/4. Ảnh: Quỳnh Trần

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tại TP HCM, sáng 21/4. Ảnh: Quỳnh Trần

Người đứng đầu Đảng cho biết kể từ ngày thống nhất đất nước, TP HCM đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi tích cực, hiện đại, văn minh, giàu mạnh hơn. Tuy nhiên để TP HCM “rực rỡ tên vàng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần nỗ lực nhiều hơn, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa.

Khi sắp xếp, sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu về TP HCM, Tổng Bí thư nói khi thử hỏi AI về quy mô của TP HCM mới như thế nào thì câu trả lời “sẽ có quy mô như Thượng Hải của Trung Quốc”.

“Nói như vậy để thấy chúng ta phấn đấu như thế nào nhằm hình thành một trung tâm có tầm cỡ như trên, tạo ra sự phát triển vượt bậc”, Tổng Bí thư nói, thêm rằng TP HCM luôn là động lực tăng trưởng của cả nước và khu vực, trung tâm đổi mới sáng tạo nhất của cả nước. Nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng đều xuất phát từ TP HCM. Do đó thành phố cần giữ vững vai trò này, trở thành động lực phát triển chính, trung tâm đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.

“Không ai có lợi thế hơn TP HCM để làm việc này”, ông khẳng định.

Theo người đứng đầu Đảng, trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ, liên kết để cùng tiến bước. TP HCM mới gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nhằm huy động tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tái thiết kế chiến lược phát triển vùng, tạo tổng thể mới vượt trội hơn.

Chưa kể sứ mệnh mới cho TP HCM không chỉ trở thành siêu đô thị quốc tế mà còn là trung tâm liên kết, phát triển toàn diện giữa thành phố và cả vùng. Trong đó các tỉnh phía Nam không chỉ đồng hành mà còn chủ động, đóng vai trò là đối tác chiến lược, kiến tạo không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

“TP HCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển và cả vùng sẽ thăng hoa khi có thành phố dẫn dắt, hợp tác, chia sẻ để cùng nhau tiến về phía trước”, Tổng Bí thư nói.





Khu trung tâm TP HCM, đoạn công trường Mê Linh, tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Khu trung tâm TP HCM, đoạn công trường Mê Linh, tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Tổng Bí thư, sau sáp nhập, các tỉnh Nam Bộ từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đăk Nông, từ 22 tỉnh, thành phố giảm xuống còn 9 tỉnh. Tiêu chí sắp xếp là tạo không gian phát triển đa dạng cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa; tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt miền núi – đồng bằng – biển đảo nhằm bổ sung, tương tác hỗ trợ nhau cùng phát triển. Việc này cũng tạo động lực mới để một số tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của cả nước trong tương lai gần.

Việc sáp nhập tỉnh còn nhằm tạo ra những tiềm năng và không gian mới cho phát triển chứ không chỉ đơn giản là ở con số 2 cộng 2 bằng 4… Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long trở thành hai tỉnh mới là TP Cần Thơ và Vĩnh Long sẽ có thế kiềng ba chân, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, giàu có. Sức mạnh mới chắc chắn sẽ nhân lên nhiều lần.

Tổng Bí thư đề nghị quá trình sáp nhập tỉnh cần đảm bảo các yêu cầu về phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao của tất cả địa phương. Cán bộ được lựa chọn là những người có năng lực tốt, có sự cân đối hài hòa từng địa phương; cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

Cùng đó các địa phương có phương án đồng bộ hóa quy hoạch không gian phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng lưu thông, hiện đại; tích hợp hạ tầng giao thông, viễn thông, đô thị, công nghiệp không chỉ trong phạm vi đơn vị hành chính mới mà còn kết nối hiệu quả trong vùng, hình thành mạng lưới hạ tầng đồng bộ trong không gian vùng.

Lê Tuyết