TP.HCM mới cần tháo nút thắt cũ để bứt phá công nghiệp hóa

TP.HCM mới cần tháo nút thắt cũ để bứt phá công nghiệp hóa - Ảnh 1.

Bà Lý Kim Chi – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM

Công nghiệp hóa phải đi liền với tái tổ chức không gian phát triển

Tham gia diễn đàn “Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM”, bà Lý Kim Chi – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM – cho rằng nếu hành động đủ nhanh và đúng hướng, TP.HCM không chỉ bứt phá mà hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu quốc gia về phát triển công nghiệp thế hệ mới thông minh, tích hợp, xanh và bền vững.

“Chúng tôi mong TP.HCM sớm có chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp đến năm 2040”, bà Chi góp ý.

Trong chiến lược này, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm cần được xác định là một trong những trụ cột của kinh tế đô thị, bởi đây không chỉ là ngành xuất khẩu mũi nhọn mà còn bảo đảm an ninh lương thực cho thị trường nội địa gần 10 triệu dân.

Từ thực tiễn của Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM và kinh nghiệm phát triển Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B tại Bình Dương, bà Chi đề xuất thành phố cần rà soát, phân vùng và quy hoạch lại hệ thống khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, hiện đại và thân thiện môi trường.

Trong đó các khu công nghiệp thực phẩm cần đặt tại những địa bàn có sẵn quỹ đất sạch, hạ tầng xử lý nước thải đạt chuẩn, kết nối vùng nguyên liệu và tiêu thụ.

“Để hoàn thiện chuỗi giá trị ngành thực phẩm, thành phố nên đầu tư trung tâm logistics lạnh hiện đại, có thể đặt tại Cái Mép – Thị Vải. Đây là mắt xích chiến lược trong chuỗi cung ứng xuyên vùng”, bà Chi nói.

Mô hình khu công nghiệp thế hệ mới mà TP.HCM hướng đến không thể chỉ là nơi sản xuất thuần túy. Đó phải là “hệ sinh thái công nghiệp thông minh”, nơi công nghiệp, đô thị và đổi mới sáng tạo cùng tồn tại và cộng hưởng giá trị.

Nhà đầu tư giờ không chỉ cần điện, nước, viễn thông. Họ cần trung tâm R&D, logistics xanh, hạ tầng số, dịch vụ hỗ trợ pháp lý, nhân sự, chuyển đổi số… TP.HCM hoàn toàn có thể dẫn đầu cả nước nếu xây dựng được mô hình tích hợp như vậy.

Đừng để “TP.HCM mới” bị níu chân bởi những vướng mắc cũ

Một trong những điểm nghẽn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thủ tục hành chính và chồng lấn quy hoạch, đặc biệt sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

TP.HCM sẽ kế thừa được sự năng động, linh hoạt từ hai địa phương này. Thực tế không ít dự án công nghiệp đang bị vướng vì thủ tục rườm rà, chậm cập nhật quy hoạch, thẩm quyền phân tán.

Giải pháp được đề xuất là xây dựng một “cơ chế một cửa liên thông đặc biệt” dành cho các dự án công nghiệp trọng điểm.

Doanh nghiệp không thể chờ 6 tháng hay 1 năm để được cấp phép. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chậm vài tháng là có thể mất cả thị trường

Bà Lý Kim Chi bày tỏ mong muốn TP.HCM thí điểm mô hình “doanh nghiệp dẫn dắt”, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò đầu tàu, kéo theo các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cùng phát triển, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hài hòa, bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.

Thực tế nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ, start-up hay doanh nghiệp công nghệ cao thường gặp khó khăn khi tiếp cận hạ tầng khu công nghiệp. Thuê ít thì không ai cho thuê, còn thuê bên ngoài lại thiếu hệ thống xử lý, logistics hay dịch vụ hỗ trợ.

Trong khi đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ các khu, cụm công nghiệp phải dành quỹ đất cho doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp công nghệ cao. Đây là một cánh cửa chính sách đã mở và TP.HCM nên là địa phương tiên phong biến điều đó thành hiện thực.

Nếu tận dụng tốt cơ hội tái tổ chức không gian công nghiệp sau sáp nhập, TP.HCM không chỉ có cơ hội bứt phá, mà còn có thể vươn lên dẫn dắt cả nước trong mô hình phát triển công nghiệp thế hệ mới, thông minh, tích hợp, xanh và bền vững.

Mở diễn đàn “Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp Sở Công Thương TP.HCM mở diễn đàn “Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM” nhằm lắng nghe ý tưởng, giải pháp từ các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và người dân để xây dựng, phát triển công nghiệp – thương mại cho TP.HCM mới, theo định hướng, tiếp tục phát huy thế mạnh của Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu khi hợp nhất cùng với TP.HCM, hình thành một đô thị mạnh về công nghiệp – thương mại – dịch vụ, có sức cạnh tranh quốc tế.

Ông Nguyễn Lộc Hà – phó chủ tịch UBND TP.HCM – giao Sở Công Thương khẩn trương tổng hợp các ý kiến đề xuất, tham luận để báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM kịp thời chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công Thương TP.HCM – cho biết sẽ trân trọng, lắng nghe từng ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp. Sau khoảng một tháng phối hợp với Tuổi Trẻ tiếp nhận ý kiến góp ý, sở sẽ tổng hợp để tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp đột phá để phát triển công nghiệp – thương mại – dịch vụ.

Bạn đọc tham gia diễn đàn “Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM” có thể gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường Đức Nhuận, TP.HCM, hoặc gửi ý kiến qua email: kinhte@tuoitre.com.vn.