
Chú Phát (chạy xe ôm truyền thống ở phường Tân Định, TP.HCM) ủng hộ việc chuyển đổi từ xe xăng qua xe điện để giảm khí thải ra môi trường. Tuy nhiên cần có lộ trình và Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi cuốn chiếu xe máy có niên hạn trên 20 năm, rồi đến 15 năm… – Ảnh: T.T.D.
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng nghiên cứu, tính toán, đề xuất phương án hạn chế xe cộ có mức độ phát thải cao tại những khu vực nguy cơ ô nhiễm môi trường, gửi về sở trước ngày 15-7 để tổng hợp gửi Bộ Xây dựng theo chỉ đạo.
Mục tiêu 100% xe buýt xanh vào năm 2030
Trên cơ sở chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan của Chính phủ và nghị quyết 98, Sở Xây dựng TP đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe theo hai giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 xây dựng lộ trình chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025. Mục tiêu là đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh.
Còn ở giai đoạn 2 là xây dựng đề án và tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách giảm khí thải các xe còn lại. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các xe cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang xe năng lượng xanh được chú trọng giai đoạn này.
Đặc biệt, đề án còn nghiên cứu giải pháp phân vùng, ưu tiên cho xe năng lượng xanh, hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các khu vực như trung tâm TP.HCM, khu Cần Giờ (cũ), đặc khu Côn Đảo…
Hiện nay, Sở Xây dựng TP.HCM đã hoàn thành chuyên đề giai đoạn 1 đề án và đã báo cáo UBND TP. Đối với giai đoạn 2, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề án và đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành và trình UBND TP trong quý 4-2025.
Chuyển đổi 400.000 xe shipper sang xe điện
ThS Lê Thanh Hải, giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), nhận định TP.HCM đang có những bước đi thận trọng trong kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn.
Ông Hải cho rằng việc cấm hẳn xe máy xăng dầu trong nội đô cần có lộ trình từng bước để nhận được sự đồng thuận cao, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân.
Để làm được điều này, các đơn vị cần xác định rõ ràng hơn những loại xe nào xả thải nhiều nhất theo số liệu thực tế (như shipper, tài xế xe công nghệ). Địa bàn nào có phạm vi dễ khoanh vùng áp dụng chính sách làm trước (Cần Giờ, Côn Đảo…).
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi xanh cho xe buýt đảm bảo mục tiêu 100% xe buýt ở TP.HCM là xe buýt xanh.
Viện Nghiên cứu phát triển TP đang nghiên cứu chuẩn bị trình UBND TP.HCM đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho 400.000 shipper, tài xế công nghệ trong tháng 7-2025. Dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ 1-1-2026 (nếu được các cấp thông qua).
Ông Hải phân tích TP.HCM có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động và mỗi ngày một tài xế di chuyển trung bình 80 – 120km, gấp 3 – 4 lần người dân thường (số liệu khảo sát), nên nhóm này cần được triển khai chuyển đổi trước tiên.
Hình ảnh shipper, tài xế công nghệ di chuyển nhiều bằng xe điện sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thúc đẩy nhu cầu dùng xe điện trong cộng đồng dân cư.
Đề án đề xuất bốn giai đoạn chuyển đổi đối với shipper, tài xế công nghệ: Giai đoạn 1 (đến tháng 12-2025) đạt 30% khoảng 120.000 xe.
Giai đoạn 2 (đến tháng 12-2026) đạt 50% khoảng 200.000 xe. Giai đoạn 3 (đến tháng 12-2027) đạt 80% khoảng 320.000 xe. Giai đoạn 4 (đến tháng 12-2029) đạt 100% khoảng 400.000 xe. Song song quá trình chuyển đổi là những chính sách hỗ trợ từ chính quyền cho shipper, tài xế công nghệ và người dân mua mới xe máy điện.
TP.HCM nghiên cứu giao thông xanh mở rộng sau sáp nhập
Tại cuộc họp với Tập đoàn Vingroup mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đề nghị đơn vị này đồng hành cùng TP thực hiện hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu xây dựng TP xanh và thân thiện môi trường. Trong đó chú trọng phối hợp với VinUni nghiên cứu giải pháp chuyển đổi xanh ở Cần Giờ, Côn Đảo.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh TP xác định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững hơn. Trên cơ sở nghị quyết 98, UBND TP đã phân công Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông phù hợp với quy mô TP.HCM mở rộng.