
Tuyến metro số 1 nối dài (TP mới Bình Dương – Suối Tiên) sẽ dùng chung depot Long Bình thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) – Ảnh: CHÂU TUẤN
Báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình triển khai dự án đường sắt, đường sắt đô thị cho hay theo các quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM dài khoảng 1.012km.
Cụ thể trước khi sáp nhập, TP.HCM có 12 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 582km. Khu vực Bình Dương có 12 tuyến với chiều dài 305km, khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu có 3 tuyến với chiều dài 125km.
TP.HCM đang lên kế hoạch đầu tư nhiều tuyến đường sắt đô thị
Hiện nay TP.HCM đang tổ chức rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó có nội dung rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị theo mô hình, tầm nhìn mới – phù hợp với việc mở rộng địa giới hành chính.
Đối với các cơ chế, chính sách, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị.
Đặc biệt, Quốc hội vừa tiếp tục thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-7 đã bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển đường sắt. Luật mới cũng đặc biệt quan tâm đến thu hút khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư đường sắt, đường sắt đô thị.
Về tình hình thực hiện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết 188 để đầu tư đồng loạt 7 tuyến metro với chiều dài 355km, hoàn thành vào năm 2035.
Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị đang xây dựng kế hoạch đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo danh mục dự án được UBND thành phố giao nhiệm vụ, và triển khai các gói thầu tư vấn để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Riêng với dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), thành phố đang tập trung thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án từ sử dụng vốn ODA sang đầu tư công, phấn đấu khởi công vào năm 2025.
Đối với đường sắt kết nối giữa hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành (Thủ Thiêm – Long Thành), TP.HCM và tỉnh Đồng Nai đã có công văn báo cáo Bộ Xây dựng về phương án triển khai dự án. Hiện Bộ Xây dựng đang tổng hợp ý kiến các bộ ngành để báo cáo Thủ tướng về phương án đầu tư cụ thể.
Loạt dự án được áp dụng ngay cơ chế đặc thù, đặc biệt khi có Luật Đường sắt (sửa đổi)
Tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ hiện đang được nhà đầu tư tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đề xuất dự án. Tuyến đường sắt này sẽ được áp dụng ngay các cơ chế đặc thù, đặc biệt của Luật Đường sắt (sửa đổi) để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với tuyến metro số 1 (TP mới Bình Dương – Suối Tiên) dài 29,01km với tổng mức đầu tư 46.725 tỉ đồng, Hội đồng thẩm định nhà nước đã có báo cáo về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ.
Thành phố đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, để Bộ Xây dựng thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tới.
Trong khi đó tuyến metro số 2 (Thủ Dầu Một – Hiệp Bình Phước), dài hơn 21,8km, tổng vốn đầu tư khoảng 50.425 tỉ đồng, cũng đã được Hội đồng thẩm định nội bộ của địa phương tổ chức thẩm định.
UBND TP.HCM cho biết tuyến metro này cũng sẽ được áp dụng ngay các cơ chế đặc thù, đặc biệt của Luật Đường sắt (sửa đổi), để đẩy nhanh tiến trình đầu tư dự án.
Hồi sinh tuyến đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh (đoạn Dĩ An – Bàu Bàng)
Tuyến đường sắt Dĩ An – Bàu Bàng có tổng chiều dài hơn 52,2km có điểm đầu tại ga An Bình, điểm cuối ga Bàu Bàng. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 64.148,6 tỉ đồng.
Dự án được đề xuất sử dụng vốn từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án này trước đây đã được tỉnh Bình Dương cũ thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ. Thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ nghiên cứu triển khai dự án theo Luật Đường sắt năm (sửa đổi) và quy định mới vừa được ban hành.