
Ông Trần Đình Triển bị bắt hồi đầu tháng 6-2024 – Ảnh: VOV
Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội vừa ra quyết định mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của cựu luật sư Trần Đình Triển, nguyên phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân. Phiên tòa phúc thẩm dự kiến sẽ được mở vào ngày 30-5.
Viết bài đăng Facebook ảnh hưởng uy tín lãnh đạo Tòa án
Phiên phúc thẩm diễn ra dưới sự điều hành của thẩm phán, chủ tọa Thái Duy Nhiệm. Tòa án triệu tập 5 giám định viên của Bộ Thông tin Truyền thông (đã chấm dứt hoạt động). Ngoài ra, có 15 luật sư tham gia bào chữa cho ông Trần Đình Triển.
Trước đó hồi tháng 1, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên phạt ông Trần Đình Triển 3 năm tù với cáo buộc phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331 Bộ luật Hình sự. Ông Triển sau đó kháng cáo.
Bản án sơ thẩm thể hiện, tháng 5-2024, Tòa án nhân dân tối cao ra văn bản đề nghị cơ quan điều tra xác minh 2 bài viết đăng trên Facebook “Trần Đình Triển” do có nội dung ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và uy tín của cơ quan này.
Kết quả điều tra xác định, ông Triển trong quá trình hành nghề luật sư có bức xúc vì cho rằng ngành tòa án còn những điều chưa hợp lý. Do đó, ông viết 3 bài trên Facebook cá nhân về ngành tòa án nhưng “không có tài liệu, chứng cứ xác thực”.
Hội đồng giám định Bộ Thông tin Truyền thông kết luận, một trong các bài viết trên Facebook “Trần Đình Triển” có nội dung ảnh hưởng tới uy tín, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của hệ thống tòa án, lãnh đạo tòa án và gây ảnh hưởng xấu an ninh. Bài viết này có 1.400 lượt like, 100 bình luận, 136 lượt chia sẻ.
Luật sư Trần Đình Triển kháng cáo kêu oan
Sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên 3 năm tù, ông Trần Đình Triển gửi đơn kháng cáo, cho rằng bản thân bị xử oan, sai.
Theo đơn kháng cáo của ông Triển, Tòa án nhân dân tối cao khẳng định không có yêu cầu bồi thường thiệt hại nên không có chứng cứ chứng minh ông “xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp” của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao.
Ông Triển trình bày, trong bài viết mình bị cáo buộc phạm tội có 11 nội dung gồm 5 nội dung “khen” và 6 nội dung mang tính chất phản biện, góp ý để rút kinh nghiệm trong công tác xét xử.
Cấp sơ thẩm chỉ phân tích về “quyền tự do ngôn luận” nhưng bản thân ông Triển còn là luật sư nên có quyền và nghĩa vụ theo Điều 3 Luật Luật sư: “Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Từ những căn cứ trên, ông Triển cho rằng những điều “có lợi” cho ông đã bị bỏ qua, đơn kháng cáo nêu.
Trước đó tại tòa sơ thẩm, ông Triển cũng khai viết bài trên Facebook với mục đích góp ý xây dựng cho hệ thống tòa án, không nhằm xâm phạm quyền, lợi ích của ai.
Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng, với loại tội phạm này, khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý hành chính của Nhà nước nên vụ án không có bị hại. Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản không có yêu cầu gì nên không đưa cơ quan này vào tham gia tố tụng.
Hành vi của bị cáo Triển là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong xã hội… Do vậy, tòa sơ thẩm phạt ông Triển 3 năm tù.