Tin tức sáng 6-7: Bảo hiểm thu gần 115.000 tỉ đồng; Mở rộng điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

quốc tịch Việt Nam - Ảnh 1.

Khách hàng đọc các điều khoản trước khi mua bảo hiểm – Ảnh: T.T.D.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến ngày 26-6, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09% so với cuối năm 2024 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11% (cùng thời điểm năm trước tăng 1,82%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,30% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,85%).

Thị trường bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ) tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý 2-2025 ước đạt 58.900 tỉ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 114.800 tỉ đồng, tăng 5%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 21.297 tỉ đồng/phiên, tăng 1,4% so với bình quân năm 2024; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 14.050 tỉ đồng/phiên, tăng 19%.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 191.321 hợp đồng/phiên, giảm 9,3%; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 48,4 triệu chứng quyền/phiên, giảm 2,4% và giá trị giao dịch bình quân đạt 42,4 tỉ đồng/phiên, tăng 1%.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có tổng giám đốc mới

bảo hiểm - Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Hải – Ảnh: VNX

Bộ Tài chính vừa tổ chức công bố quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Lê Xuân Hải, phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, giữ chức thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, kể từ đầu tháng 7.

Ông Lê Xuân Hải sinh năm 1971, có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về quá trình công tác, ông Hải đã làm việc tại Bộ Tài chính từ năm 1997 và giữ chức phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp từ tháng 10-2020 đến tháng 2-2025.

Từ tháng 3 đến tháng 6-2025, ông Hải giữ chức phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước (Bộ Tài chính).

Một công ty thép trên sàn chứng khoán bị truy thu thuế tiền tỉ

Công ty cổ phần mạ kẽm công nghiệp Vingal – Vnsteel (VGL) vừa công bố thông tin về việc bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Cụ thể, theo quyết định xử phạt từ Chi cục Thuế khu vực XV, Vingal – Vnsteel kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Tổng số tiền truy thu, phạt và chậm nộp lên tới hơn 1,6 tỉ đồng.

Trong đó, công ty bị phạt hành chính hơn 218 triệu đồng, bị truy thu gần 1,1 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và phải nộp thêm hơn 306 triệu đồng tiền chậm nộp.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng điều chỉnh giảm gần 314 triệu đồng thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ.

Trên website, Vingal – Vnsteel giới thiệu là một liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Delta (Úc) và Công ty TNHH Thép Việt, được thành lập từ năm 1995.

Đến năm 2012, công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần gồm các cổ đông chính: Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH Thép Việt Nga và Công ty TNHH Thép Việt.

Mở rộng điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Từ ngày 1-7, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực với nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, mở rộng các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam.

Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Quốc tịch sửa đổi 2025.

Cụ thể, công dân nước ngoài và người không quốc tịch có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu đủ các điều kiện sau:

Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

Nội dung cho phép người chưa thành niên nhập tịch theo cha/mẹ là người Việt Nam là quy định mới.

Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.

Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.

Đang thường trú ở Việt Nam (nội dung mới). Thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Luật mới cũng mở rộng điều kiện nhập quốc tịch đối với một số trường hợp, theo đó người nhập tịch có thể không biết tiếng Việt, không thường trú trên 5 năm tại Việt Nam…

Bên cạnh đó, luật cũng quy định người 2 quốc tịch có thể ghép tên Việt Nam và nước ngoàI.

Cụ thể, trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thì có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Tên do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Tái cơ cấu tổ chức của các đơn vị bảo hiểm xã hội

bảo hiểm - Ảnh 2.

Cán bộ bảo hiểm xã hội tiếp người dân làm thủ tục tại Hà Nội – Ảnh: HÀ QUÂN

Tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội từ 1-7-2025.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh sẽ được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, trụ sở đặt tại trung tâm chính trị – hành chính của địa phương và có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng, với số phòng tham mưu không quá 10.

Bảo hiểm xã hội cấp cơ sở trực thuộc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, quản lý theo địa bàn một số xã, phường, đặc khu, cũng có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng nhưng không tổ chức bộ máy bên trong. Cả nước sẽ không quá 350 bảo hiểm xã hội cấp cơ sở.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được giao trách nhiệm tổ chức, hoàn tất sắp xếp, kiện toàn và hoạt động hệ thống cấp tỉnh chậm nhất trong 3 tháng kể từ khi quyết định có hiệu lực.

bảo hiểm - Ảnh 3.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 6-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

bảo hiểm - Ảnh 4.

Dự báo thời tiết hôm nay 6-7 tại các vùng miền

bảo hiểm - Ảnh 5.