Theo Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, các chương trình như “Tinh hoa Việt chung sức” trên Shopee giúp kết nối thương hiệu Việt với người tiêu dùng hiệu quả.
Vừa qua, Shopee khởi động chương trình “Tinh hoa Việt chung sức”, phiên bản nâng cấp từ hành trình “Tinh hoa Việt du ký” từng tạo dấu ấn trong cộng đồng người dùng. Ngoài giới thiệu sản phẩm, chuỗi livestream này mở ra một không gian đối thoại cởi mở để mọi người chung tay tôn vinh các sản phẩm Việt, quảng bá văn hóa vùng miền và chia sẻ những câu chuyện kinh doanh truyền cảm hứng.
Thương mại điện tử và hướng đi cho doanh nghiệp bản địa
Xuất hiện trong vai trò khách mời mở màn chương trình, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mang đến góc nhìn về vai trò của thương mại điện tử. Với gần 30 năm đồng hành và dẫn dắt hàng trăm doanh nghiệp nội địa nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, bà cho rằng thương mại điện tử hiện nay là một kênh thiết yếu để giúp các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa sản phẩm vươn xa hơn.

Bà Vũ Kim Hạnh (ở giữa) chia sẻ những nhận định thực tiễn, mở ra nhiều hướng đi giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trên không gian số. Ảnh: Shopee
“Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Việt tạo ra được những sản phẩm chất lượng, đậm bản sắc dân tộc nhưng lại thiếu một kênh tiếp cận tới người tiêu dùng online hiệu quả. Trong khi đó, Shopee sở hữu một hệ thống dữ liệu khổng lồ cùng với độ phủ sóng mạnh mẽ, hoàn toàn có thể giúp hàng Việt nâng cao độ nhận diện và tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn nữa”, bà chia sẻ.
Đồng hành từ tập phát sóng đầu tiên trong năm 2024 và quay trở lại sau một năm với chương trình Tinh hoa Việt chung sức, bà Hạnh đánh giá cao mô hình mua sắm giải trí của Shopee. Mang tinh thần mới mẻ cùng nhiều cải tiến về mặt nội dung, chương trình gắn kết chuyên gia, người có sức ảnh hưởng, người dùng và doanh nghiệp trong một không gian chung, đề cao tính tương tác và thúc đẩy hợp tác cùng tôn vinh các giá trị của sản phẩm nội địa.
Doanh nghiệp Việt cùng nhau nâng tầm hàng Việt
Không chỉ là nơi tôn vinh sản phẩm “made in Vietnam”, Tinh hoa Việt chung sức còn cho thấy vai trò của các doanh nghiệp bản địa trong hành trình xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững cho hàng Việt. Ba cái tên Vietcoco, Fuwa3e và Tòhe xuất hiện trong tập đầu tiên của chuỗi livestream mang đến những câu chuyện riêng, nhưng cùng gặp nhau ở tinh thần “chung sức” phát huy giá trị địa phương và tận dụng thương mại điện tử để lan tỏa sản phẩm.

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu và các sản phẩm trong tập “Tinh hoa Việt chung sức” đầu tiên. Ảnh: Shopee
Từ vùng đất Bến Tre, Vietcoco đã sáng tạo để nâng tầm cây dừa từ nguyên liệu thô trở thành các sản phẩm có giá trị cao như thực phẩm, gia vị, mỹ phẩm và đồ uống. “Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng tin rằng hàng Việt hoàn toàn có thể phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao cấp”, chị Hà My, đại diện Vietcoco chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp Việt cũng đang chủ động chuyển mình theo xu hướng chuyển đổi số. Theo đó, tham gia sàn thương mại điện tử là một bước đi chiến lược trong hành trình phát triển của Fuwa3e – thương hiệu biến vỏ dứa thành các sản phẩm tẩy rửa sinh học hiệu quả, an toàn với sức khỏe và thân thiện với môi trường. Nhà sáng lập của Fuwa3e chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ từ Shopee, những doanh nghiệp khởi nghiệp xanh như chúng tôi đã tiếp cận khách hàng nhanh chóng và hiệu quả”.
Cụ thể, tập phát sóng ngày 15/4 của Tinh hoa Việt chung sức đã góp phần giúp Vietcoco bán ra gần 4.000 đơn hàng trong cùng ngày. Đồng thời, thương hiệu Fuwa3e cũng chứng kiến lượng đơn trong ngày tăng gấp 9 lần, doanh thu tăng gấp 6 lần so với ngày thường.

Doanh nghiệp địa phương đưa sản phẩm Việt đến gần hơn tới người dùng trên cả nước qua chương trình của Shopee. Ảnh: Shopee
Không chỉ là kênh kết nối với khách hàng, chương trình còn được các doanh nghiệp đánh giá là cơ hội để học hỏi và mở rộng tư duy kinh doanh. Đại diện Tòhe, chị Phan Thanh Vân chia sẻ, sau khi tham gia chương trình, Tòhe không chỉ được kết nối với người tiêu dùng, mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ chương trình, cô Kim Hạnh và các thương hiệu Việt khác. “Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều sản phẩm và doanh nghiệp Việt được hỗ trợ và biết đến rộng rãi hơn”, chị Vân nói.
Thế Đan