Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đang và sẽ cải cách hơn nữa, chuyển trạng thái mạnh mẽ, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Ngày 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) đang làm việc tại Việt Nam. Đoàn có các doanh nghiệp hàng đầu như Abbott, Amazon, Apple, Boeing, Brunswick, Citibank, Exxon Mobil, Ford, Google, IBM, Intel, Manulife, Meta, UPS, Warburg Pincus, Odgers Berndtson, Zuellig Pharma.
Nói với các doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang và sẽ cải cách hơn nữa, chuyển trạng thái mạnh mẽ, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Nhà điều hành xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển trạng thái từ thụ động sang chủ động, từ quản lý sang phục vụ.
Ông cũng cam kết Việt Nam bảo đảm tiếp cận bình đẳng nguồn lực giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo thuận lợi hơn nữa về quy định visa, lao động, an toàn thực phẩm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp với đoàn doanh nghiệp của USABC, ngày 11/7. Ảnh: VGP
Việt Nam – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1995, nâng cấp thành Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 9/2023. Hai mươi năm qua, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của nước này. Nửa đầu năm, kim ngạch thương mại hai nước gần 80 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam lũy kế đến hiện nay ước đạt 12 tỷ USD với gần 1.500 dự án, đứng thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hầu hết tập đoàn lớn của quốc gia này đều đã hiện diện và đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, ông Ted Osius, nguyên Đại sứ, Phó chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực, USABC nhấn mạnh các doanh nghiệp Mỹ tin tưởng, không băn khoăn về vấn đề quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Các ý kiến đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi với những cam kết, tầm nhìn và hành động mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Họ cam kết tiếp tục đồng hành, hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh lâu dài với Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời, các doanh nghiệp Mỹ cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất để hướng tới mối quan hệ bền chặt, hiệu quả.
Từ cuối 2024, Thủ tướng đã hai lần tiếp đoàn USABC, hai lần tọa đàm với các doanh nghiệp Mỹ. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên tiếp các tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ trong khuôn khổ song phương và bên lề các hội nghị quốc tế, đa phương. Theo các doanh nghiệp Mỹ, sau mỗi cuộc gặp, làm việc, những vướng mắc đều được tháo gỡ, tiến triển tích cực.

Đại diện USABC phát biểu tại cuộc gặp, ngày 11/7. Ảnh: VGP
Với những kiến nghị của nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu, xử lý ngay và trả lời doanh nghiệp với tinh thần “rõ người, rõ việc”. Ông cũng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục trao đổi, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…
Thời gian qua, Việt Nam và Mỹ đàm phán về chính sách thuế. Thủ tướng nói Chính phủ đã có các giải pháp đồng bộ, tổng thể về chính trị, ngoại giao, kinh tế. Hai đoàn đàm phán cơ bản thống nhất Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.
“Qua đó, tạo cơ sở để góp phần thúc đẩy kinh tế – thương mại song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước”, ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các doanh nghiệp Mỹ đã ủng hộ, đóng góp tích cực trong thúc đẩy đàm phán giữa hai nước, hợp tác đầu tư, kinh doanh, quan hệ song phương. Ông đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục có tiếng nói, đồng hành cùng Việt Nam trong việc đối thoại với các cơ quan của Mỹ để sớm đạt được thỏa thuận cụ thể về thuế quan với từng mặt hàng, nhóm hàng hợp lý.
Đồng thời, ông cũng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ có tiếng nói ủng hộ việc tăng hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư bền vững giữa hai nước, không sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc có hành động làm ảnh hưởng đến quan hệ đang rất tốt đẹp giữa hai nước. Ông đề nghị các doanh nghiệp thúc đẩy phía Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế xuất khẩu công nghệ cao.
Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng năng lực quản trị, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước này.
Nhà điều hành khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, hoàn thiện luật pháp, chính sách để môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi, thông thoáng và bình đẳng, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư giảm chi phí tuân thủ, đầu vào, hoạt động ổn định, hiệu quả.
Phương Dung