Bà Rịa – Vũng TàuCần thí điểm cơ chế, chính sách xây dựng Côn Đảo thành đặc khu hiện đại tầm quốc tế, là tiền tiêu vững chắc về quốc phòng, an ninh, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chiều 3/5 nhân chuỗi sự kiện kỷ niệm “50 năm giải phóng Côn Đảo”.
Cách đất liền Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 185 km, Côn Đảo gồm 16 hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên khoảng 76 km2, dân số 12.000 người. Những năm qua, địa phương có những bước phát triển đánh kể, hạ tầng được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh và hỗ trợ ngành du lịch – lĩnh vực mũi nhọn của huyện cùng với việc bảo vệ di tích lịch sử.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xây dựng đề án phát triển đặc khu Côn Đảo để khai thác tối đa lợi thế về kinh tế biển, du lịch sinh thái và tâm linh; đồng thời bảo đảm vai trò đặc biệt của đảo tiền tiêu trong bảo vệ an ninh, quốc phòng. Côn Đảo được định hướng quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử hiện đại, xanh, sạch, đẹp, mang tầm quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa -Vũng Tàu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, cần xây dựng chính quyền đặc khu và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp. Những nội dung đang thí điểm tại TP HCM có thể nghiên cứu, áp dụng cho Bà Rịa – Vũng Tàu. Trường hợp cần thêm chính sách đặc thù, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét. Ông lưu ý cơ chế, chính sách phải thông thoáng, cởi mở nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý, kiểm soát.
Côn Đảo được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn, do đó Thủ tướng yêu cầu chọn người đứng đầu đặc khu phải “máu lửa”, thần tốc, sáng tạo, làm việc có trách nhiệm và tạo ra kết quả cụ thể.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị ưu tiên tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng cho Côn Đảo, đặc biệt là giao thông hàng không. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được giao làm cơ quan có thẩm quyền kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để quy hoạch, xây dựng sân bay quốc tế Côn Đảo.
Cùng với đó, địa phương cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội; bảo đảm cung cấp điện, nước sạch, sóng viễn thông và xử lý rác thải hiệu quả. Ông cũng chỉ đạo thiết lập trung tâm hành chính công ứng dụng công nghệ số; ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, thu hút nhân lực chất lượng cao.
Chiều cùng ngày, tại buổi gặp mặt, tri ân 700 đại biểu là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày và thân nhân đến từ 49 tỉnh, thành phố trong cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động và đánh giá đây những biểu tượng về sự hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Thủ tướng và bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc toàn quốc các chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày tại cuộc gặp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhà tù Côn Đảo, trong 113 năm tồn tại (1862-1975) từng giam giữ hơn 200.000 lượt tù chính trị, khoảng 20.000 người đã hy sinh trong điều kiện giam cầm hà khắc, bị tra tấn cả thể xác lẫn tinh thần tại những nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” như: Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Hầm Xay Lúa, Trại Phú Hải… Nghĩa trang Hàng Dương hiện có 1.922 phần mộ, trong đó 714 phần mộ có tên, còn lại phần lớn chưa xác định được danh tính.
“Sự tri ân với những người đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng ta nói bao nhiêu lời cũng không đủ”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, sau 50 năm thống nhất đất nước, 40 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu toàn diện trên tất cả các mặt. Từ đống tro tàn đổ nát sau chiến tranh, đất nước bị bao vây cấm vận, đến năm 2024, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 476,3 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới; GDP bình quân đầu người đạt gần 4.700 USD.
Theo ông, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày nay, có phần quan trọng nhờ tinh thần yêu nước, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, của hàng triệu đồng chí, đồng bào. “Họ đã ngã xuống, máu thịt thấm vào đất mẹ, hòa vào sông quê hương, vào biển Tổ quốc… để có được cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay”, Thủ tướng nói.