Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt nghi vấn “không còn ý chí chiến đấu” hoặc có tiêu cực khi buôn lậu và sản xuất hàng giả quy mô lớn mà cơ quan chức năng không phát hiện.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/5, Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng buôn lậu, làm hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi việc này cần kho bãi, vận chuyển, mua bán. “Chỉ có hai khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là các vụ việc liên quan thuốc, sữa, thực phẩm, đang diễn biến phức tạp, gây lo lắng trong xã hội.
Thủ tướng yêu cầu thiết kế chính sách rõ ràng, xác định một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý an toàn thực phẩm, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các bộ ngành; đặc biệt là các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường. Các cơ qua cần có cơ chế phối hợp hiệu quả để không chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ hay để trống trong quản lý nhà nước.
Dự án Luật An toàn thực phẩm sửa đổi cần được xây dựng khẩn trương để sớm trình Quốc hội. Bên cạnh đó, các cơ quan sớm trình nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản hướng dẫn luật hiện hành nhằm kịp thời ứng phó với các vấn đề bức thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chiều 19/5. Ảnh: Nhật Bắc
Tại cuộc họp sáng cùng ngày do Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì, các cơ quan chức năng báo cáo từ đầu năm đến nay đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong đó, hơn 8.200 vụ liên quan buôn bán, vận chuyển hàng cấm; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; và trên 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước vượt 4.897 tỷ đồng. Gần 1.400 vụ đã bị khởi tố với hơn 2.100 bị can.
Ngày 19/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thúc Thùy Tiên (26 tuổi) về hành vi “Lừa dối khách hàng” liên quan đến vụ sản xuất kẹo Kera của Công ty Chị Em Rọt. Trước đó, Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và hai người khác cũng đã bị bắt giữ.
Theo điều tra, Thùy Tiên góp 30% vốn vào công ty này. Công ty đã bán hơn 135.000 hộp kẹo Kera cho hơn 30.000 khách hàng, gian dối về thành phần bột rau (dùng loại hàm lượng thấp nhưng công bố cao) và không công bố chất tạo ngọt sorbitol, quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm.
Giữa tháng 4, Bộ Y tế thông tin trong đường dây sản xuất sữa giả vừa bị triệt phá, có 573 nhãn hiệu sữa kém chất lượng được công bố chất lượng tại nhiều địa phương. Khoảng 10% được công bố tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, phần còn lại chủ yếu ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc và một số tỉnh thành khác. Cơ quan điều tra cho biết đường dây này hoạt động với quy mô lớn, liên quan đến nhiều doanh nghiệp và cá nhân.
Vũ Tuân