Thủ tướng: Sai phạm kinh tế ưu tiên không xử lý hình sự, yêu cầu khắc phục hậu quả

kinh tế tư nhân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Ảnh: VGP

Chiều 7-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại nghị quyết 68 cần được thể chế hóa gồm ba nhóm cơ chế chính sách cần được sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan. 

Rà soát tháo gỡ ngay những vấn đề người dân quan tâm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các cơ quan trong việc xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 68, cũng như trong xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ.

Vấn đề đặt ra là cần yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống. Do đó, phải trình Quốc hội dự thảo nghị quyết ngay tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách. 

Trong đó, cần rà soát, tập trung vào những nội dung mà doanh nghiệp, người dân đang mong đợi nhất, những nội dung có thể làm ngay được mà chưa cần nhiều nguồn lực, những nội dung mang tính chất “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa”, mang lại tác động, hiệu quả lớn. 

Các chính sách cần thực sự tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, tạo xung lực mới, động lực mới, tạo phong trào, xu thế phát triển doanh nghiệp, giải phóng được nguồn lực, sức sản xuất.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tới năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, gấp đôi so với số lượng gần 1 triệu doanh nghiệp hiện nay sau gần 40 năm, Thủ tướng nêu rõ, thủ tục hành chính phải nhanh nhất có thể, đơn giản nhất có thể và chi phí ít nhất có thể, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và phá sản.

Có cơ chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, như khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn.

Đồng thời cần cụ thể hóa những nội dung của nghị quyết 68 về bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh hợp tác công tư theo các hình thức lãnh đạo công – quản trị tư, đầu tư công – quản lý tư, đầu tư tư – sử dụng công.

kinh tế tư nhân - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Ảnh: VGP

Phân cấp đặt hàng công trình

Đẩy mạnh phân cấp trong việc đặt hàng các công trình, dự án cho doanh nghiệp thực hiện với nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng, không đội vốn và không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cơ chế thông thoáng nhưng phải có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra.

Về thuế, ông lưu ý những nội dung nào có thể làm được ngay thì khẩn trương triển khai, những nội dung cần nghiên cứu thêm thì tiếp tục nghiên cứu.

Để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong nghị quyết 68 về “tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm”. 

Việc này nhằm bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. 

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự; trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Trên cơ sở đó, ông giao Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo nghị quyết, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội. Việc xây dựng cần ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu, trọng tâm trọng điểm.