Thủ tướng giao Bộ Công an cương quyết xử nghiêm vi phạm hình sự trong kinh doanh vàng

Thủ tướng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Ảnh: VGP

Theo Thủ tướng, dù tình hình thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn thời cơ, thuận lợi, song đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. 

Nỗ lực lớn đạt tăng trưởng 8%, thực hiện bộ tứ chiến lược

Đặc biệt, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn do mục tiêu này đang gặp thách thức hơn bởi một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tăng tính tự lực, tự cường, tự vươn lên.

Vì vậy cần kiên trì, kiên định và chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện bằng được các mục tiêu lớn, có tính chiến lược – đó là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; tăng thu giảm chi, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Cụ thể, ông yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh rà soát, khắc phục các hạn chế, bất cập; tập trung thực hiện theo chỉ đạo, nghị quyết. Tập trung sắp xếp hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển đổi từ thụ động sang chủ động giải quyết thủ tục hành chính, giảm thủ tục, tăng phân cấp, phân quyền. 

Tổ chức thực hiện hiệu quả “bộ tứ chiến lược” theo 4 nghị quyết của Bộ Chính trị; khẩn trương trình Quốc hội nghị quyết và trình Chính phủ chương trình hành động triển khai các nghị quyết 66, 68 của Bộ Chính trị.

Chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Mỹ trên cơ sở “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”. Các nội dung đàm phán với Mỹ không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; kiên trì, bình tĩnh, có nghệ thuật đàm phán, thuyết phục. 

Khẩn trương ký kết, triển khai các hợp đồng mua bán, nhập thêm hàng hóa từ Mỹ đối với những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu; yêu cầu đối tác khác phải bảo đảm cân bằng thương mại bền vững với Việt Nam. Hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ. 

Nhiều giải pháp ổn định thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp

Ở trong nước cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Ngành ngân hàng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiết kiệm và cắt giảm chi phí để giảm lãi suất, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, giữ ổn định tỉ giá phù hợp, linh hoạt. 

Cùng đó, tăng cường quản lý thị trường vàng, phòng chống buôn lậu, thao túng, găm hàng, lợi dụng tình hình, Bộ Công an cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hình sự; các cơ quan khẩn trương trình sửa đổi nghị định 24 về kinh doanh vàng.

Đối với chính sách tài khóa phải nỗ lực tăng thu ít nhất 15% trong năm nay để có nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh đầu tư công, điều chuyển vốn không có hiệu quả. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, hoàn thuế VAT, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dự án đầu tư.

Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình ra công chúng; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội. 

Thực hiện việc sang nhượng, chuyển quyền khai thác các dự án đường cao tốc theo quy định; thực hiện chính sách visa chủ động, linh hoạt, tăng cường thu hút khách du lịch theo tinh thần mở rộng đối tượng, địa bàn; chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xây dựng đề án phát triển công nghiệp giải trí. 

Tiếp tục xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài. Trong đó tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, sớm đưa vào triển khai hơn 2.200 dự án đầu tư với tổng số vốn 5,9 triệu tỉ đồng với 347 nghìn ha đất; đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát; bảo đảm an sinh xã hội….