
Ông Phạm Bình An chia sẻ về bối cảnh của doanh nghiệp Việt tại diễn đàn – Ảnh: HOÀNG HÙNG
Diễn đàn CEO 2025 do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 21-5 cho thấy sự đồng thuận cao từ giới chuyên gia về vai trò cốt lõi của “sân nhà” đối với doanh nghiệp Việt trong bối cảnh Mỹ áp thuế quan cũng như những lo ngại về căng thẳng chiến tranh thương mại thời gian tới.
Tăng giá trị doanh nghiệp Việt nhờ sản phẩm Made by Vietnam
Ông Phạm Bình An – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhấn mạnh thay vì tập trung vào xuất khẩu gia công giá rẻ (OEM), doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn chuyển sang xây dựng thương hiệu riêng (OBM), hướng đến gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh thực chất.
Theo ông, cụm từ “Made by Vietnam” cần thay thế cho “Made in Vietnam”, phản ánh tư duy chủ động làm chủ sản phẩm thay vì đơn thuần là nơi sản xuất thuê.
“Chúng ta có thị trường 100 triệu dân mà nếu chiến thắng thị trường này thì đây hoàn toàn có thể là tiền đề để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và mở rộng sản xuất”, ông An nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Lê Trường Sơn – phó tổng giám đốc Saigon Co.op – cho biết khoảng 95% hàng hóa trong hệ thống là hàng Việt Nam, với ưu tiên dành cho sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.
Song song, ông cũng bổ sung thêm mô hình kinh doanh hiện đại không thể tách rời yếu tố trải nghiệm vật lý. Bên cạnh thương mại điện tử và kinh doanh đa kênh, hệ thống cửa hàng truyền thống vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ chân người tiêu dùng Việt, nhằm giữ chân các tập khách cũ, lâu đời.
Doanh nghiệp không chỉ chiến thắng trên mỗi “sân nhà”
Thị trường bán lẻ nội địa Việt Nam hiện có quy mô khoảng 180 tỉ USD và dự báo sẽ chạm mốc 350 tỉ USD vào cuối năm 2025, không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ mà còn là thời điểm quan trọng để hàng Việt khẳng định vị thế ngay tại thị trường trong nước.
Tuy nhiên, sức ép từ hàng ngoại nhập đang gia tăng nhanh chóng. Sự bùng nổ của hàng giá rẻ ngoại nhập với mẫu mã đa dạng, giá thành cạnh tranh và hệ thống phân phối xuyên biên giới đang đặt ra thách thức không nhỏ cho hàng Việt.
Việc quản lý cũng không đồng nghĩa với việc “ngăn sông cấm chợ”. Ông Lê Duy Cường – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn SCC – cho rằng thay vì tiếp cận thị trường theo hướng phòng thủ, doanh nghiệp Việt cần chủ động chuyển hướng từ tư duy sang lấy khách hàng làm trung tâm.
Trong kỷ nguyên cá nhân hóa, đặc biệt với nhóm khách hàng trẻ tuổi, trải nghiệm, bản sắc văn hóa và tính độc đáo trở thành yếu tố then chốt trong quyết định mua sắm. Theo ông Cường, đây chính là lợi thế tiềm tàng của hàng Việt nếu biết phát huy, thay vì chỉ chạy đua về giá.
Nhiều doanh nghiệp tham dự diễn đàn cũng đồng thuận rằng cuộc đua hiện nay không chỉ là giữ thị phần trong nước mà còn nâng chuẩn hàng Việt để cạnh tranh chất lượng với sản phẩm ngoại.
Đầu tư vào chất lượng, đổi mới thiết kế, ứng dụng công nghệ và khai thác bản sắc dân tộc là những giải pháp dài hơi giúp hàng Việt đứng vững không chỉ ở “sân nhà” mà còn vươn ra thế giới.