Thị trường địa ốc TP.HCM: Nguồn cung hạn chế, giá nhà vẫn ‘tăng đều’

Bất động sản - Ảnh 1.

Khu đông TP.HCM hiện tập trung nhiều dự án bất động sản đang mở bán, đang xây dựng. Trong ảnh: Nhà thầu thi công các dự án nhà ở cao tầng – Ảnh: NGỌC HIỂN

Theo báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, số lượng dự án mới được cấp phép và triển khai tại TP.HCM trong nửa đầu năm 2025 vẫn duy trì ở mức rất hạn chế.

Nguồn cung nhỏ giọt, khu đông TP.HCM vẫn chiếm ưu thế

Nguồn cung địa ốc tại TP.HCM tiếp tục nhỏ giọt, đặc biệt là phân khúc căn hộ khi số lượng dự án mở bán trong thời gian qua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, khu đông TP.HCM tiếp tục là khu vực chủ lực của thị trường địa ốc TP khi các dự án chào bán mới lẫn rục rịch triển khai đều chủ yếu nằm ở khu vực TP Thủ Đức (cũ).

Đối với dự án căn hộ, vào tháng 5 vừa qua, Masterise Homes đã tung ra thị trường phân khu cao tầng Lumière Midtown tại khu đô thị The Global City. 

Dự án này cung cấp cho thị trường hơn 800 căn hộ từ 1-4 phòng ngủ nằm ở phân khúc hạng sang. Trước đó, chủ đầu tư này cũng ra mắt dự án Masteri Grand View và đang trong quá trình xây dựng dự án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ đầu tư cho hay khu biệt thự thấp tầng Sola cũng sẽ được doanh nghiệp đưa ra thị trường trong thời gian tới, giúp tăng thêm nguồn cung bất động sản cho khu đông TP.HCM.

Trong khi đó, tại khu vực đường Mai Chí Thọ và nút giao An Phú, bên cạnh dự án Eaton Park đang xây dựng, một dự án khác của doanh nghiệp Việt cũng đang xây dựng phần móng hầm và chuẩn bị đến giai đoạn ký hợp đồng mua bán.

Còn tại khu nam TP, chủ đầu tư Phú Long cũng vừa ra mắt dự án Essensia Parkway với số lượng vỏn vẹn 74 căn nhà và đang mở bán số lượng căn hộ còn lại của dự án cao tầng Essensia Sky.

Dù có tín hiệu tích cực là loạt dự án địa ốc vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng như đã định giá đất xong để sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính. 

Tuy nhiên, các chủ đầu tư này cho hay chưa thể triển khai dự án trong nửa cuối năm 2025 do phải tiến hành các thủ tục pháp lý khác về giấy phép xây dựng trước khi giới thiệu ra thị trường do quy định khắt khe từ các luật về lĩnh vực nhà đất mới.

“Khát” căn hộ, áp lực tăng giá tiếp diễn

Trả lời Tuổi Trẻ Online, CBRE Việt Nam cho hay trong nửa đầu năm 2025, thị trường nhà ở tại TP.HCM có 1.400 căn hộ và 132 căn nhà thấp tầng mở bán mới, trong đó nguồn cung mới của quý 2 chỉ khoảng 1.000 căn hộ và 74 căn nhà thấp tầng. 

Đối với thị trường căn hộ, dù nguồn cung căn hộ đã tăng gấp đôi so với quý trước, nguồn cung của 6 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn 16% so với tổng nguồn cung của sáu tháng đầu năm 2024 và thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Đơn vị này dự báo trong 6 tháng cuối năm, nguồn cung nhà ở của TP.HCM (mới) vẫn hạn chế khi chỉ có 6.000 căn hộ và hơn 800 căn thấp tầng mở bán mới.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam – cho biết số liệu thống kê trên cho thấy số lượng căn hộ chào bán lẫn nhà liền thổ ra thị trường tại TP.HCM tiếp tục đà suy giảm. 

Thậm chí, con số chào bán 1.400 sản phẩm trong nửa đầu năm là ở mức thấp nhất trong 10 năm qua tại TP.HCM. Do nguồn cung khan hiếm, hầu hết các dự án chào bán ở TP.HCM hiện tại đều là sản phẩm hạng sang và cao cấp, đặc biệt ở khu vực trung tâm. 

“Tính đến quý 2-2025, giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ tại TP.HCM đạt 82 triệu đồng/m² thông thủy, tăng gần 7% theo quý và 29% theo năm”, ông Kiệt nói.

Theo ông Kiệt, tỉ lệ hấp thụ của các nguồn cung mở bán mới trong nửa đầu năm 2025 đạt 74% trên tổng số căn mở bán.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – cho rằng tình trạng “khát” căn hộ phản ánh việc nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý, chưa khơi thông được nguồn cung, dẫn đến thị trường thiếu sự đa dạng sản phẩm nên mức giá bị neo cao.

Do đó, ông Châu cho rằng đẩy nhanh gỡ vướng các dự án, tăng mạnh nguồn cung là giải pháp trước mắt để giải bài toán áp lực giá và tăng nguồn cung cho thị trường TP.HCM.

Chính sách linh hoạt cho người mua nhà

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết trong thời gian qua, các chủ đầu tư đã áp dụng thêm nhiều chính sách hỗ trợ bán hàng như chiết khấu từ 9-16% (tùy phương thức thanh toán), hỗ trợ vay với ân hạn nợ gốc lên đến 10 năm, tặng thêm gói nội thất… Theo ông Kiệt, hiện các chủ đầu tư phải tạo sự linh động cho khách hàng mua nhà, trong đó tập trung vào các chính sách thanh toán linh hoạt.

Theo ông Kiệt, bất động sản hiện nay được xem là kênh đầu tư mang tính ổn định và tích sản, chứ không phải là kênh kỳ vọng tăng giá 20-30% như trước đây.