Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp nhận nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ

Dự luật Thanh tra sửa đổi trình Quốc hội quy định Thanh tra Chính phủ tiếp nhận nhiệm vụ của 12 Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh mở rộng chức năng.

Trình Thường vụ Quốc hội dự án Luật Thanh tra sửa đổi sáng 26/4, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo lược bỏ 54/118 điều của Luật Thanh tra năm 2022 quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện và cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Theo ông Phong, việc này là phù hợp khi triển khai đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra; kết thúc hoạt động của tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các Bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.





Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Dự luật cũng quy định Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi thấy cần thiết.

Chánh Thanh tra tỉnh cũng được đề nghị giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp cơ sở cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia đoàn thanh tra cấp tỉnh khi cần thiết. Điều này nhằm tăng cường mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, giữa Thanh tra tỉnh với các Sở và UBND cấp cơ sở, đồng thời đảm bảo sự tham gia của người có năng lực, chuyên môn phù hợp vào các đoàn thanh tra.

Ông Phong cho biết việc lược bỏ 54 điều của Luật Thanh tra năm 2022 sẽ giúp cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra, bao gồm các thủ tục do nhiều cấp thanh tra và cơ quan thanh tra chuyên ngành thực hiện trước đây.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết dự luật Thanh tra sửa đổi đã bỏ quy định liên quan đến thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, một số thành viên cơ quan thẩm tra mong muốn làm rõ liệu cơ quan thanh tra sau khi sắp xếp có tiếp tục thực hiện hai loại hình thanh tra này hay không.

Cơ quan thẩm tra cũng đặt ra một số câu hỏi như: Nếu không còn thanh tra chuyên ngành thì có đáp ứng được thực tiễn không? Có phù hợp và khả thi nếu vẫn duy trì thanh tra chuyên ngành nhưng tiến hành theo cùng một trình tự, thủ tục với thanh tra hành chính? Thanh tra Chính phủ có thực hiện thanh tra chuyên ngành hay không.

“Đây là những vấn đề quan trọng cần được làm rõ và thống nhất về nhận thức để làm cơ sở cho việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan thanh tra cũng như quy trình, thủ tục tiến hành thanh tra”, ông Tùng nói.

Cuối tháng 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan thanh tra theo hai cấp trung ương và địa phương.

Theo đó ở Trung ương, thanh tra các bộ sẽ kết thúc hoạt động để sắp xếp, tổ chức lại thành các cục thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo lĩnh vực thuộc thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ duy trì tổ chức và hoạt động.

Cơ quan thanh tra Cục Bổ trợ Tư pháp, Kho bạc Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê sẽ kết thúc hoạt động; không thành lập cơ quan thanh tra Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Các cục này thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành.

Sơn Hà