Thanh Hóa xây 39 khu tái định cư phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua Thanh Hóa dài hơn 95 km, có gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng nên tỉnh dự kiến chi hơn 3.870 tỷ đồng cho công tác tái định cư.

Ông Đào Vũ Việt, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, cho biết theo thiết kế tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua tỉnh dài 95,33 km, qua 19 xã phường. Tổng diện tích đất cần thu hồi phục vụ dự án hơn 570 ha, trong đó gần 92 ha đất ở, hơn 480 ha đất nông nghiệp và các loại đất khác.

Theo khảo sát, có gần 4.000 hộ dân và hơn 30 cơ quan, tổ chức, trường học bị ảnh hưởng bởi dự án. Để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong diện bị thu hồi đất ở, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch xây dựng 39 khu tái định cư với tổng diện tích gần 300 ha, kinh phí ước tính 3.870 tỷ đồng.





Khu vực phường Đông Quang, nơi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến đi qua. Ảnh: Lê Hoàng

Khu vực phường Đông Quang, nơi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến đi qua. Ảnh: Lê Hoàng

Theo ông Đào Vũ Việt, đến nay có một khu tái định cư đã hoàn thành, 8 khu khác đang giải phóng mặt bằng, 28 khu đang lập quy hoạch chi tiết hoặc lấy ý kiến cộng đồng dân cư. UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu mỗi xã phường có dự án đi qua cần phê duyệt tối thiểu một khu tái định cư để khởi công trước ngày 19/8, nhằm kịp bàn giao mặt bằng dự án.

Thanh Hóa đặt mục tiêu cơ bản bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trước tháng 12/2026, hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng trong quý I/2027. Hạ tầng các khu tái định cư phải hoàn thành chậm nhất vào tháng 9/2026.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, khó khăn lớn hiện nay là nguồn vốn. Hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được phân bổ hết nên địa phương đề xuất được ứng vốn ngân sách trung ương để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, sau đó hoàn trả khi có nguồn phân bổ chính thức từ dự án.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đi qua 20 tỉnh, thành phố từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Thủ Thiêm (TP HCM). Ngoài đầu tư công, dự án được Quốc hội cho phép triển khai theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hoặc đầu tư kinh doanh.

Lê Hoàng