
Ông Trần Bá Dương – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) – phát biểu tại hội nghị – Ảnh: TL
Cam kết vốn tự có, không chuyển nhượng cho nước ngoài
Theo đề xuất, THACO sẽ đầu tư dự án với tổng vốn khoảng 61,35 tỉ USD, trong đó 20% là vốn tự có và huy động hợp pháp trong nước, tương đương 12,27 tỉ USD.
80% còn lại gần 49,08 tỉ USD sẽ vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. THACO đề nghị Chính phủ bảo lãnh khoản vay này và hỗ trợ lãi vay trong 30 năm.
Doanh nghiệp cũng khẳng định không chuyển nhượng dự án, vốn góp hay cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và chủ quyền công nghệ cho quốc gia.
Cũng theo THACO, phân kỳ đầu tư trong 7 năm, ưu tiên đoạn đông hành khách trước. Dự án được THACO đề xuất chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động dự án trong 5 năm với hai phân đoạn được Nhà nước bàn giao mặt bằng sạch. Cụ thể từ TP.HCM đến Nha Trang và từ Hà Nội đến Hà Tĩnh vì đây là hai phân đoạn có nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa lớn để đưa vào vận hành khai thác.
Giai đoạn 2: Thi công đoạn còn lại từ Hà Tĩnh đến Nha Trang trong vòng 2 năm do nơi có địa hình phức tạp, cần thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
THACO kỳ vọng hoàn thành toàn tuyến trong 7 năm, vừa đảm bảo tiến độ, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước học hỏi, tiếp nhận công nghệ, tiến tới tự chủ.
Đề xuất cơ chế đặc thù giao đất, miễn thuế, tách giải phóng mặt bằng
THACO kiến nghị được hưởng chính sách ưu đãi như tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Nhà nước đảm nhận. Ưu tiên giao quỹ đất quanh nhà ga cho phát triển đô thị theo mô hình TOD; miễn thuế nhập khẩu thiết bị trong nước chưa sản xuất được…
Ông Trần Bá Dương – chủ tịch HĐQT THACO, nêu trong văn bản đề xuất không chỉ muốn đầu tư một tuyến đường sắt mà muốn cùng Nhà nước kiến tạo ngành công nghiệp đường sắt, luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp số… và các ngành nền tảng cho sự phát triển bền vững, tự cường của đất nước.
Ông cũng cam kết triển khai dự án với chi phí hợp lý để người dân có thể tiếp cận giá vé phù hợp, đồng thời sẵn sàng để Nhà nước tiếp quản toàn bộ dự án trong những trường hợp đặc biệt vì lý do an ninh quốc gia.
Trước THACO, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed cũng đã đề xuất tham gia tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Tự chủ sản xuất đầu máy, toa tàu trong nước
Điểm đặc biệt trong đề xuất của THACO là định hướng phát triển công nghiệp đường sắt nội địa. Với nền tảng cơ khí chế tạo tại Chu Lai (Quảng Nam), THACO INDUSTRIES sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất đầu máy, toa tàu, thiết bị vận hành… đồng thời phát triển khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ mới tại Bình Dương và Bắc Ninh.
THACO cũng cam kết xây dựng các khu đô thị TOD mẫu mực, tích hợp trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, công viên… để phát triển kinh tế – xã hội địa phương quanh các ga.