Tập đoàn Nhật muốn phát triển điện sinh khối tại Việt Nam

Tập đoàn Nhật Bản muốn đầu tư dự án và chuyển đổi các nhà máy điện than sang năng lượng sinh khối tại Việt Nam.

Tại cuộc gặp Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ngày 4/7, ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex (Nhật Bản), trao đổi về các dự án phát triển điện sinh khối.

Điện sinh khối là một dạng năng lượng tái tạo được sản xuất bằng cách sử dụng chất thải hữu cơ (cây trồng, rừng, chất thải nông nghiệp…) để tạo ra điện năng. Hiện cả nước có 9 nhà máy điện sinh khối trên 10 MW hoạt động, tổng công suất khoảng 332 MW, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Dự kiến đến năm 2030, 14 nhà máy điện sinh khối nữa được đưa vào vận hành, bổ sung khoảng 300 MW cho hệ thống điện.

Erex là một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về điện sinh khối. Họ đang muốn triển khai dự án phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư dự án điện sinh khối và chuyển đổi các nhà máy điện than sang loại năng lượng sạch này tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, Erex đã phát triển một số nhà máy điện sinh khối như dự án tại Hậu Giang (20 MW), Yên Bái (50 MW), Tuyên Quang (50 MW).

Chính phủ xác định năng lượng tái tạo, trong đó có điện sinh khối, đóng vai trò quan trọng để giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Quy hoạch Điện VIII đặt ra mục tiêu công suất lắp đặt điện sinh khối, sản xuất từ rác đến 2030 khoảng 2.270 MW.





Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex, ngày 4/7. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Erex, ngày 4/7. Ảnh: VGP

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, nhà điều hành hoan nghênh nỗ lực của Erex trong việc đưa công nghệ điện sinh khối vào Việt Nam. Ông khẳng định các dự án này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam, và quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Phó thủ tướng đề xuất tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ với các dự án đồng đốt than – sinh khối và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng. Ông cũng đề nghị nhà đầu tư phối hợp với cơ quan chức năng để triển khai các dự án tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật và phù hợp với quy hoạch ngành.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Việt Nam khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc này cũng nhằm giúp doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản, nhất là về bán dẫn, năng lượng tái tạo, điện sinh khối…

Tại cuộc tiếp, ông Honna Hitoshi đề xuất liên quan về khung giá năng lượng sinh khối, điều chỉnh tỷ giá trong hợp đồng mua bán điện. Ngoài ra, họ cũng dành các suất học bổng để hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực trong ngành năng lượng tái tạo, bán dẫn.

Theo Phó thủ tướng, khung giá đang được tính toán dựa trên nhiều yếu tố, như khả năng cạnh tranh điện sinh khối với các nguồn năng lượng tái tạo khác, tác động giá mua bán và số liệu được thu thập từ các dự án hiện hữu. “Cơ chế hỗ trợ phát điện sinh khối được tính toán hợp lý, hài hòa với nguồn điện khác”, ông nói.

Ông cũng đề nghị Erex cung cấp các thông số của dự án được tập đoàn này triển khai tại Yên Bái 1, Tuyên Quang gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để tổng hợp làm cơ sở đề xuất khung giá phát điện cho giai đoạn tiếp theo.

Với điều chỉnh tỷ giá trong hợp đồng mua bán điện, theo Phó thủ tướng, chính sách này được áp dụng ở mức độ giới hạn và phải tuân theo quy định hiện hành.

Phương Dung