Tài xế bus bị cắt 84.000 USD lương hưu vì tham ô 7 USD

Nhật BảnTài xế xe bus có 29 năm kinh nghiệm đã mất gói lương hưu trị giá 84.000 USD sau khi bị phát hiện ăn cắp 1.000 yên (7 USD) tiền vé của hành khách và bị sa thải.

Hồ sơ vụ việc thể hiện nam tài xế 58 tuổi, không nêu tên, hành nghề từ năm 1993.

Vào tháng 2/2022, ông ta đã đút túi một tờ tiền 1.000 yên (7 USD) nhận được từ một hành khách thay vì gửi vào máy xử lý tiền vé. Vụ trộm được phát hiện khi Cục Giao thông Vận tải Thành phố Kyoto kiểm tra cảnh quay từ camera gắn trên xe bus.

Một tháng sau, cơ quan này đã chấm dứt hợp đồng lao động với tài xế và quyết định giữ lại toàn bộ tiền lương hưu của ông, ước tính 12 triệu yên (84.000 USD). Ông do đó đã đệ đơn kiện thành phố để đòi lại khoản lương hưu.





Một chiếc xe bus trên con phố ở Kyoto, Nhật Bản, vào thứ Bảy, ngày 13 tháng 4 năm 2024.

Một chiếc xe bus trên con phố ở Kyoto, Nhật Bản, tháng 4 năm 2024.

Phán quyết sơ thẩm của Tòa án Quận Kyoto vào tháng 7/2023 xác định hành động của người đàn ông này cấu thành tội Tham ô theo định nghĩa của Bộ luật Hình sự. Do đó, việc khấu trừ các khoản trợ cấp hưu trí là có căn cứ. Tòa bác bỏ khiếu nại của nguyên đơn.

Tuy nhiên, khi kháng cáo, Tòa án Tối cao Osaka vào tháng 2/2024 thấy hình phạt là chưa đúng vì số tiền biển thủ chỉ là 1.000 yên, đã được hoàn trả, và lật ngược quyết định của thành phố, chấp nhận kháng cáo của tài xế.

Đến ngày 17/4, vụ án đã được Tòa án Tối cao xét xử theo trình tự cao nhất và đưa ra phán quyết cuối cùng có lợi cho thành phố – khôi phục lại bản án đầu tiên với nguyên đơn. Đồng nghĩa, ông mất quyền nhận lương hưu.

Tòa án Tối cao phán quyết rằng, hành vi của người đàn ông này có thể làm suy yếu lòng tin của công chúng vào hệ thống và hoạt động lành mạnh của dịch vụ xe bus. Tòa cũng nêu, mặc dù bị camera ghi lại, ông vẫn cố phủ nhận trong cuộc họp với cấp trên. Trong 29 năm phục vụ, tài xế này cũng đã bị khiển trách nhiều lần vì nhiều sự cố khác nhau như liên tục hút thuốc lá điện tử trong khi làm nhiệm vụ, mặc dù không có hành khách nào trên bus.

Thành phố Kyoto hoan nghênh quyết định này.

“Mỗi tài xế xe buýt đều làm việc một mình và xử lý tiền công quỹ. Nếu các biện pháp nghiêm ngặt của chúng tôi không được chấp nhận, tổ chức của chúng tôi có thể trở nên bất cẩn và có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng”, Shinichi Hirai, một viên chức tại Cục giao thông công cộng Kyoto, nói.

Nền tư pháp nước này nổi tiếng với việc mạnh tay với những vụ trộm cắp, gian lận nhỏ. Điển hình là sự việc hồi tháng 1, khi cảnh sát thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido đã miệt mài truy vết 97 ngày, theo dấu 1.500 km để tóm kẻ trộm gói thịt dù trị giá chỉ một USD.

Hay hồi tháng 2, một bà nội trợ cũng bị bắt vì vào cửa hàng nắn bóp, chọn 4 gói bánh mì nhưng không mua, khiến chúng móp méo không thể bán, dù tổng giá trị của chúng chỉ 181 yên (30.000 đồng).

Nhà chức trách cho rằng việc nghiêm trị những sai phạm nhỏ này sẽ gửi thông điệp rằng sai phạm dù nhỏ, thủ phạm cũng phải gánh hậu quả. Điều này sẽ ngăn chặn các vi phạm pháp luật lớn hơn trong tương lai, tức là lợi ích về lâu dài.

Hải Thư (Theo CBS, Mainichi)