
Người dân đến làm các thủ tục về giấy tờ tại UBND phường 4, quận Phú Nhuận, TP.HCM (phường 3 vừa mới sáp nhập vô phường 4) – Ảnh: T.T.D.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định việc sửa Hiến pháp và các luật liên quan là giai đoạn 2 của đợt tinh gọn bộ máy, sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động cấp huyện.
“Nhân dân và cử tri rất mong đợi kỳ họp Quốc hội lần này vì mong muốn bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp bộ máy tinh gọn sẽ tạo nguồn lực phát triển đất nước” – ông Mẫn khẳng định.
Quy định khái quát phân định các đơn vị hành chính
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết ngay sau khi được thành lập, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban dự thảo xác định dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 điều. Trong đó, điều 1 nghị quyết gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.
Việc sửa đổi, bổ sung lần này đã làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Đồng thời nhấn mạnh vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội.
Quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mặt trận cũng được đề nghị sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới khi sắp xếp các tổ chức chính trị – xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam. Điểm mới dự thảo đề xuất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh.
Về Công đoàn Việt Nam, ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định Hiến pháp theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Đồng thời bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đáng chú ý, điều khoản sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức đơn vị hành chính và một số nội dung khác về chính quyền địa phương đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.
Ủy ban đề nghị chỉ quy định có tính khái quát về việc phân định các đơn vị hành chính của Việt Nam. Theo đó, các cấp chính quyền địa phương gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính phía dưới. Riêng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.
Đồng thời thể chế hóa kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã có HĐND và UBND. Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương”.
Nên giữ nguyên quyền chất vấn với chánh án, viện trưởng
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý khác là Hiến pháp 2013 đang quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn chánh án TAND, viện trưởng Viện KSND. Hiện nay, việc chất vấn đối với hai chức danh này chỉ thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Sắp tới khi bỏ cấp huyện sẽ không tổ chức tòa án và viện kiểm sát cấp huyện mà thay thế bằng tòa án, viện kiểm sát khu vực (các đơn vị này không gắn với đơn vị hành chính cụ thể). Do đó, ủy ban đề nghị sửa đổi quy định của Hiến pháp theo hướng không quy định chánh án và viện trưởng thuộc phạm vi chất vấn của HĐND.
Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế này và điều chỉnh theo hướng quy định đại biểu HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn chánh án và viện trưởng cấp tỉnh và cấp khu vực.
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đề nghị cân nhắc việc không quy định chánh án, viện trưởng thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Theo ông Tú, trong hoạt động giám sát việc tuân theo pháp luật tại địa phương, chất vấn là một hình thức giám sát rất quan trọng.
Mặt khác, việc quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án, viện trưởng xuất phát từ bản chất, đặc điểm của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc chất vấn chánh án, viện trưởng cũng góp phần cung cấp thêm thông tin để phục vụ hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật tại địa phương.
“Nếu bây giờ HĐND chỉ có quyền chất vấn chủ tịch, các thành viên và thủ trưởng các cơ quan khác thuộc UBND sẽ chỉ mới quy định định quyền chất vấn các cơ quan thực hiện quyền hành pháp mà chưa thực hiện chất vấn đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương là chưa phù hợp”, ông Tú diễn giải.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu hiện nay quy định đối với đại biểu HĐND có quyền chất vấn với các thành viên, lãnh đạo UBND, các đơn vị như tòa án, viện kiểm sát. Bà đặt vấn đề nếu bỏ chất vấn với chánh án, viện trưởng thì ai sẽ thực hiện quyền này?
Mặt khác, theo bà Nguyệt, Luật Hoạt động giám sát vừa qua lấy ý kiến các đại biểu đã đặt vấn đề chất vấn là quyền giám sát rất cơ bản của đại biểu HĐND.
“Nếu giờ không thực hiện việc này có bất cập với quy định pháp luật về lấy ý kiến không và đã được quy định rõ. Tôi đề nghị quy định rõ để thể hiện đại biểu HĐND có quyền chất vấn với chánh án, viện trưởng để đảm bảo các yếu tố thực thi pháp luật và các cơ quan thực thi pháp luật sẽ trả lời các vấn đề liên quan với cử tri”, bà Nguyệt nêu thêm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định trong việc sửa Hiến pháp và các luật liên quan tại kỳ họp lần này, Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội thống nhất phân cấp mạnh cho địa phương. Từ đó ông đề nghị đại biểu từ thực tiễn địa phương, có vấn đề gì có thể góp ý, đảm bảo thực hiện “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Ông cũng thông tin thêm lần này trình Quốc hội, lấy ý kiến sửa gọn trong khoảng 8/120 điều của Hiến pháp và chủ yếu liên quan tới sắp xếp tổ chức bộ máy, không mở rộng. Ông nêu rõ nếu mở rộng việc sửa Hiến pháp sẽ phải đợi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV để xem có sửa cương lĩnh không. Khi đó mới xem xét sửa Hiến pháp cho phù hợp.
Đã có 1.762 lượt góp ý của người dân

Trên ứng dụng VNeID, người dân đã có thể góp ý về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 – Ảnh: DANH TRỌNG
Đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – C06, Bộ Công an) cho biết đến nay tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID. Cũng theo số liệu thống kê, tính đến chiều 7-5 đã có 1.762 lượt góp ý của người dân qua ứng dụng VNeID.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đánh giá việc lấy ý kiến nhân dân trên VNeID là điểm mới trong lần sửa đổi này. Bà Thủy nêu một vấn đề băn khoăn, khi quy định về chuyển tiếp trong dự thảo nghị quyết về chỉ định các chức danh thuộc UBND và HĐND tại các đơn vị hành chính được hình thành sau sắp xếp.
Đây là cơ chế mới, song việc chỉ định cũng là phù hợp vì nhiệm kỳ của HĐND cho đến khi bầu cử nhiệm kỳ tới cũng rất ngắn, việc sắp xếp mang tính quy mô toàn quốc rất lớn, các tỉnh nhập với nhau nhiều nhất tới 3 tỉnh, cấp xã lên tới 5-7 đơn vị cấp xã nhập làm một.
Vì vậy, sự thay đổi rất lớn như vậy sẽ khó có điều kiện theo dõi, đánh giá chính xác năng lực, trình độ, khả năng đảm đương công việc của cán bộ lãnh đạo ở đơn vị hành chính mới.
Về thẩm quyền chỉ định còn có ý kiến băn khoăn, khi quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các ban của hội đồng nhân dân cấp tỉnh là phù hợp thẩm quyền. Với cấp xã, dự thảo quy định thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban HĐND cấp xã và chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã… đang gây băn khoăn liên quan tới nguyên tắc quản lý hành chính.
Bởi theo quy định của luật, khi HĐND bầu ra chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND thì chủ tịch UBND cấp trên sẽ là người thực hiện thẩm quyền phê chuẩn; với cấp tỉnh thì Thủ tướng phê chuẩn, nhưng với cấp xã giao toàn bộ cho thường trực HĐND là chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính, khác biệt so với quy định hiện hành. Do đó, kiến nghị các cấp có thẩm quyền quy định lại thẩm quyền chỉ định cho phù hợp.
Đề xuất chỉ định các chức danh lãnh đạo sau khi sáp nhập
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của nghị quyết là từ ngày 1-7. Để kịp thời thể chế các kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy ban đề nghị trong dự thảo nghị quyết cần có quy định chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và điều khoản chuyển tiếp quy định việc chỉ định các chức danh.
Việc chỉ định đối với các chức danh của HĐND, UBND như chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Việc này thực hiện khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã trong năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021 – 2026 khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện.
Cách thức góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 ra sao?
Trên ứng dụng VNeID, người dân sẽ thực hiện theo các bước gồm: Bước 1, thực hiện đăng nhập ứng dụng VNeID hoặc website https://vneid.gov.vn bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 đang hoạt động.
Bước 2, thực hiện truy cập vào “Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID”.
Bước 3, chọn đọc dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013. Bước 4, thực hiện nhập nội dung góp ý và gửi thông tin. Bước cuối cùng, Bộ Công an tổng hợp góp ý của người dân và gửi Bộ Tư pháp xây dựng báo cáo chung của Chính phủ.
* Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):
Mở rộng không gian phát triển của các địa phương

Như Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng, chúng ta phải có tầm nhìn xa cả trăm năm, cho nên việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này cũng phải tương quan với chiến lược đổi mới tư duy chiến lược, tầm nhìn đối với mở rộng không gian phát triển của các địa phương.
Từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong một vùng, tạo khối liên kết thống nhất. Giống như chính quyền TP.HCM mới bao gồm ba địa phương TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu hiện hữu như ba đầu tàu có ba động cơ hỗ trợ với nhau, tạo nên đầu tàu mạnh mẽ.
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong lần sửa đổi Hiến pháp này phải phù hợp, tương thích với quy mô, với mức độ phân cấp phân quyền mạnh cho các địa phương hiện nay.
* Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM):
Vai trò của MTTQ càng quan trọng

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này khẳng định một lần nữa vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân
dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Mặt khác, lần này ngoài chức năng thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; còn bổ sung rõ chức năng phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước. Tức là thay mặt nhân dân làm rõ hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Như vậy, nói cách khác, lần sửa đổi Hiến pháp này vai trò của mặt trận càng quan trọng hơn nữa.