Shopee tiếp sức doanh nghiệp Việt

Nền tảng Shopee hỗ trợ hơn 20.000 SMEs chuyển đổi số,
giúp nhiều thương hiệu Việt tăng trưởng doanh thu tích
cực ở thị trường trong nước và tiến ra nước ngoài.

Nền tảng Shopee hỗ trợ hơn 20.000 SMEs chuyển đổi số,
giúp nhiều thương hiệu Việt tăng trưởng doanh thu tích
cực ở thị trường trong nước và tiến ra nước ngoài.

Đồng hành cùng hàng chục nghìn nhà sản xuất địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong hành trình chuyển đổi số là một trong những dấu ấn lớn nhất của Shopee trong năm 2024.
Nổi bật là việc đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm nông sản qua livestream đến hàng triệu người dùng trong nước, đưa nhiều hàng hóa Việt
tiếp cận người tiêu dùng Đông Nam Á và mở ra cơ hội phát triển cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế.

Hưởng ứng Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Shopee đã chung tay triển khai nhiều sáng kiến nâng cao năng lực cạnh
tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. Cụ thể trong năm 2024, Shopee đã triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ người bán, đặc biệt là SMEs và cộng đồng địa phương,
giúp họ thích ứng với quá trình số hóa và phát triển bền vững. Hai dự án tiêu biểu, “Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử” và “Shopee tiếp sức doanh nghiệp Việt”,
đã tạo ra thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh của hàng chục nghìn doanh nghiệp.

Dự án “Shopee tiếp sức doanh nghiệp Việt” ghi dấu ấn với cam kết hỗ trợ SMEs thông qua các khóa đào tạo miễn phí. Ông Jason Bay, Giám đốc Quốc gia của SEA Limited (công ty mẹ của
Shopee), nhấn mạnh tại lễ ký kết với Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) ngày 5/9/2024: “Thay vì thu phí đào tạo từ bên thứ ba, Shopee và đối tác cung cấp khóa học miễn phí, thể
hiện cam kết lâu dài trong việc thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam”.

Không chỉ đào tạo, chương trình còn xây dựng năng lực bền vững cho các doanh nghiệp SMEs. Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ông Jaya Ratnam, nhận định: “Đầu tư vào các doanh nghiệp
này không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện sinh kế trên toàn quốc”.

Đến nay, Shopee đã thành công đào tạo hơn 20.000 doanh nghiệp SMEs từ 30 tỉnh thành trên khắp cả nước. Riêng năm ngoái, Shopee đã sản xuất sản xuất 500 học liệu trực tuyến miễn phí
dành cho người bán và thu hút hơn 17 triệu lượt xem.

Chuyên gia Shopee chia sẻ tại buổi đào tạo thuộc dự án “Phụ nữ ứng dụng chuyển
đổi số” do Care Việt Nam tổ chức ngày 29/6/2024.

Nằm trong chuỗi mục tiêu giúp nhà bán hàng nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng số, dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử” của Shopee đã giúp nhiều
nhà sản xuất địa phương thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao hiệu suất nhờ mô hình M2C (sản xuất và phân phối hàng hóa trực tiếp từ nhà máy đến khách hàng cuối cùng) qua
thương mại điện tử.

Anh Trần Văn Huy, chủ xưởng thời trang tại Nam Định, cho biết nửa năm qua, xưởng của anh tất bật sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Shopee, với hàng trăm chuyến xe
chuyển hàng mỗi tuần đến kho Bắc Ninh và Củ Chi (TP HCM) của sàn.

Trước đây, xưởng chỉ hoạt động nhỏ lẻ, doanh thu bấp bênh. Nhờ tham gia dự án, anh được hướng dẫn xây dựng gian hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng và đầu tư công nghệ hiện đại. Đặc
biệt, sản phẩm của gia đình anh được phân phối trực tiếp đến khách hàng cuối chỉ qua sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sản lượng bán ra giá tốt, từ 700 sản phẩm một tháng cuối năm
2023 đã tăng lên 250.000 sản phẩm một tháng, tạo việc làm cho 150 lao động.

Xưởng sản xuất của nhà bán hàng tham gia chương trình
“Chuyển đổi số doanh nghiệp Việt qua thương mại điện tử”.

“Dự án mở rộng nhanh, kéo theo nhu cầu cung ứng hàng hóa tăng cao. Dù tạo áp lực sản xuất, điều này cũng mang lại nguồn thu lớn, giúp chúng tôi xoay vòng vốn và mở thêm ba xưởng
mới để đẩy mạnh gia công”, anh Huy chia sẻ.

Anh Huy là một trong hàng trăm nhà bán tham gia dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp qua thương mại điện tử” do Shopee triển khai năm 2024.

Đại diện Shopee cho biết, trong mô hình bán hàng truyền thống, doanh nghiệp phải qua nhiều khâu từ sản xuất, phân phối đến trung gian và vận chuyển, tốn kém thời gian và chi phí.
Dự án này giúp tối giản quy trình này, đồng thời giải quyết trực tiếp những khó khăn của nhà sản xuất.

Nhà sản xuất không cần tự tìm đầu ra mà có thể tiếp cận hàng chục triệu người dùng Shopee khi tham gia dự án. Sàn hỗ trợ toàn bộ khâu vận hành, marketing, khảo sát thị trường, phân
tích thị hiếu và đề xuất mẫu bán chạy, giúp doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sau thời gian ngắn triển khai, dự án đã kết nối hàng trăm nhà cung cấp và sản xuất từ nhiều ngành nghề trên cả nước. Đặc biệt, 16 nhà cung cấp từ 6 làng nghề tại Nam Định, Thường
Tín, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình ghi nhận doanh thu trung bình tăng gấp hai đến 20 lần so với thời điểm trước đó.

Livestream đã trở thành công cụ đắc lực giúp Shopee đưa nông sản Việt đến gần người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ba chương trình nổi bật là “Shopee – Tinh hoa Việt du ký”, “Tôn
vinh Nông sản Việt”, “Đại tiệc livestream trái cây” của nền tảng này ngoài quảng bá sản phẩm còn hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tối ưu hóa vận hành và giao nhận.

Chị Phạm Thị Trang, chủ doanh nghiệp Thực phẩm sạch Mẹ Rô, cho biết quá trình “trợ lực” của Shopee không chỉ gói gọn trong một phiên live hai tiếng, mà còn là một hành trình quảng
bá kéo dài. Bí quyết thành công, theo chị Trang, là kết hợp cùng Shopee đẩy mạnh truyền thông xuyên suốt từ trước, trong, sau sự kiện, đồng thời tung hàng trăm voucher giảm giá và
hàng triệu Shopee Xu trong suốt phiên live, giúp lượng đơn hàng vượt qua con số 800 một cách ấn tượng.

Anh Bùi Quốc Hùng, CEO tiệm Phố Núi, cũng ghi nhận sự hỗ trợ từ Shopee Live, Shopee Video và chính sách bảo vệ người bán. Nhờ thiết lập đa kho, tiệm giao nhanh các sản phẩm như mật
ong hoa cà phê, hoa xuyến chi. Trong một phiên livestream vào tháng 10/2024, anh Hùng chia sẻ đơn hàng tăng gấp ba, doanh thu gấp đôi so với tháng trước.

Mỗi tập của livestream Tinh hoa Việt du ký đều tái hiện nét văn hóa của từng tỉnh thành.

Sau hơn một năm triển khai, chuỗi livestream “Tinh hoa Việt du ký” đã đi qua 20 tỉnh thành, khám phá đặc sản địa phương và mời doanh nghiệp Việt chia sẻ về làng nghề, khởi nghiệp,
giới thiệu nông sản trực tiếp đến người dùng. Sự khác biệt chính là yếu tố làm nên thành công của chương trình khi giúp giới trẻ hiểu hơn về văn hóa vùng miền, truyền cảm hứng
“người Việt dùng hàng Việt”. Bên cạnh đó, chuỗi livestream bán trái cây của Shopee cũng để lại nhiều ấn tượng khi đưa người xem về tận vườn, khám phá quy trình thu hoạch và nguồn
gốc của các thức quả địa phương.

Chương trình “Đại tiệc livestream trái cây” với bối cảnh tại vườn, mang đến trải
nghiệm chân thật cho người xem.

Chương trình “Tôn vinh nông sản Việt” góp phần hỗ trợ nâng cao kỹ năng canh
tác và tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ dân và các nhà vườn địa phương.

Sau 9 tháng triển khai, nền tảng đã phối hợp với hơn 150 KOL/KOC, thương hiệu và nông dân tham gia livestream, thu hút hơn 100 triệu lượt tiếp cận trên đa nền tảng. Với phương thức
tiếp cận độc đáo, các chương trình livestream đã thành công bán ra hơn 80.000 đơn hàng nông đặc sản, giúp doanh nghiệp địa phương tăng trưởng doanh thu đến 30 lần.

Chị Thu Hương, một khách hàng thường xuyên của Shopee, cho biết chị không bỏ lỡ phiên livestream nào từ khi chương trình lên sóng. “Shopee có nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn,
giúp người tiêu dùng không chỉ mua sắm tiết kiệm mà còn học hỏi nhiều điều bổ ích”, chị Hương chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động kích cầu nông đặc sản Việt, các dự án trên còn gián tiếp hỗ trợ nâng cao sinh kế cho hàng nghìn hộ nông dân. Đơn cử, Shopee đã phối hợp với đối
tác FoodMap triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại nhiều địa phương với các hoạt động như hỗ trợ nhà vườn cải thiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, phát triển nghề
nuôi ong lấy mật và đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân thông qua việc bao tiêu đầu ra cũng như đưa các sản phẩm lên sàn và liên tục quảng bá trong các livestream phối hợp
cùng Shopee.

Không dừng lại ở thị trường nội địa, Shopee còn mở lối cho sản phẩm Việt vươn ra thế giới thông qua chương trình Bán hàng toàn cầu (SIP). Chautfifth – một thương hiệu thời trang
túi xách được thiết kế và gia công tại Việt Nam tham gia SIP từ tháng 5/2024, đã ghi nhận doanh số quốc tế tăng gần 300% vào tháng 8/2024, tập trung vào các thị trường Đông Nam Á.
“Shopee làm được câu chuyện giảm phí vận chuyển, một trong những yếu tố chính quyết định hành vi mua sắm của khách hàng tại nước ngoài”, đại diện thương hiệu cho hay.

Chương trình SIP giúp các sản phẩm túi xách của Chautfifth đến với đông đảo người dùng Shopee tại khu vực ASEAN.

Trước đây, thương hiệu này thường tự vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng, tuy nhiên do quy mô nhỏ nên không tối ưu được chi phí. Shopee giải quyết yếu điểm này bằng cách sắp xếp
vận chuyển một khối lượng lớn đơn hàng cùng lúc ra kho nước ngoài, do đó phí vận chuyển tốt hơn và khách hàng cũng vui khi nhận được mã freeship từ sàn.

Trong khuôn khổ chương trình SIP, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ đồng bộ gian hàng tự động và cùng lúc tại nhiều quốc gia, lên chương trình marketing bán hàng và giải quyết toàn bộ
các khâu giấy tờ pháp lý về xuất nhập khẩu, kho bãi, vận chuyển. Điều này giúp doanh nghiệp tập trung toàn lực vào phát triển sản phẩm mới và xác định sản phẩm chủ lực cho từng thị
trường, chú trọng hơn vào ngách sản phẩm có thể đáp ứng được người tiêu dùng chính của thương hiệu là Millennials và GenZ.

SK Food tận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ sàn để phát triển gian hàng trong và ngoài nước.

SK Food, một thương hiệu nông đặc sản, cũng thành công xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á với sản phẩm như trái cây sấy khô và hạt điều Bình Phước nhờ sự hỗ trợ toàn diện từ Shopee
về định giá, logistics và chứng nhận an toàn.

Theo thống kê từ Shopee, hiện tại, hơn 90% sản phẩm trên sàn được cung cấp và bán bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, hơn 350.000 SMEs và hơn 1.000 thương hiệu Việt Nam đã
được hỗ trợ phát triển tại các thị trường như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Philippines thông qua chương trình “Bán hàng toàn cầu”, giúp tăng tới 30% doanh số, đồng thời
giảm thiểu khó khăn và chi phí phát sinh khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu nhờ ứng dụng thương mại điện tử.

Năm 2025, Shopee đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững, mang tính hỗ trợ tuần hoàn cho người bán và doanh nghiệp trong nước. Trọng tâm hoạt động bao
gồm: tận dụng các thế mạnh về bản địa hóa để mở rộng các dự án chuyển đổi số trong nước – đào tạo kỹ năng thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương và livestream quảng bá
sản phẩm Việt; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường quốc tế.

Ông Trần Tuấn Anh,

Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam khẳng định:

Shopee không chỉ là một sàn thương mại điện tử mà còn là người bạn đồng hành của hàng triệu doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số.

“Năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hợp tác, đầu tư vào công nghệ để tạo ra một hệ sinh thái năng động, nơi sản phẩm Việt được vinh danh”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Đơn vị sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội và cơ sở sản xuất để cập nhật phương pháp kinh doanh, công cụ vận hành hiệu quả, đồng thời liên kết chuỗi cung ứng từ sản
xuất đến phân phối.

Nội dung: Nguyễn Phượng
Thiết kế: Hằng Trịnh – Sơn Bá
Ảnh: Shopee, Care, Chautfifth