Shopee giảm phí sàn cho hàng thực phẩm, đồ dùng mẹ và bé

Từ 1/6, phí người bán hàng thực phẩm, đồ uống, đồ dùng mẹ và bé, dụng cụ chăm sóc nhà cửa trên sàn Shopee sẽ giảm 1%, về còn 9%.

Động thái điều chỉnh phí cố định (phí sàn) với một số ngành hàng thiết yếu dành cho người bán được Shopee đưa ra với lý do “nhu cầu thị trường, bối cảnh”, sau hai tháng tăng gần gấp đôi.

Theo đó, ngành hàng thực phẩm – đồ uống, mẹ và bé, dụng cụ chăm sóc nhà cửa có phí sàn mới 9%, thay vì 10%. Gian hàng thường (shop thường) áp dụng mức phí này từ ngày 1/6, còn shop mall (chính hãng) vào 6/6.

Nhiều ngành hàng chủ lực khác như điện tử, nhà cửa, đời sống… vẫn duy trì mức phí cố định như trước. Còn nhóm sức khỏe, sắc đẹp, chăm sóc thú cưng tiếp tục chịu tăng phí 0,4-2%, lên 11-12%.

Trước đó, từ đầu tháng 4, “sàn cam” tăng mạnh phí với shop thường, lên cao nhất 10%. Hầu hết ngành hàng trước đó chịu phí 3-4% đều có mức phí mới dao động 7-9%.

Theo Shopee Việt Nam, việc giảm 1 điểm phần trăm phí sàn với một số ngành hàng được “xem xét kỹ lưỡng trên cơ sở lắng nghe nhu cầu từ thị trường”.

Việc giảm phí lần này, công ty nói nhằm giúp người bán ngành hàng thiết yếu vận hành tốt hơn trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Ngoài hạ nhẹ phí sàn, nền tảng cho biết duy trì các hỗ trợ nhà bán, như ưu đãi vận chuyển, voucher giảm giá.

Việc giảm phí sàn với hàng thiết yếu của Shopee diễn ra trong bối cảnh đây là nhóm có nhu cầu mua sắm cao và đối thủ cạnh tranh – TikTok Shop tiếp tục mở rộng thị phần.

Theo dữ liệu nội bộ của Shopee, nửa cuối năm 2024, lượng đơn hàng thuộc nhóm tiêu dùng nhanh (FMCG) và thực phẩm tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Phần lớn tăng trưởng nhóm hàng này đến từ các nhà bán hàng địa phương.

Quý đầu năm nay, theo báo cáo thị trường thương mại điện tử của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, doanh số giao dịch (GMV) ngành bách hóa – thực phẩm thu về 6.373 tỷ đồng tại 4 sàn gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki. Mức này tăng hơn 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính theo sản lượng, đây cũng là ngành hàng bán ra nhiều thứ 4, với 67 triệu sản phẩm, tăng hơn 53%.

Shopee vẫn dẫn đầu thị trường nhưng thị phần đã thu hẹp còn 62% so với mức 68% hồi quý I/2024. Nguyên nhân do “sàn cam” tăng trưởng GMV chậm hơn, ở mức 29%. Vì thế, giá hấp dẫn và thu hút nhà bán hàng cũng là bài toán duy trì ngôi vương mà Shopee phải cân nhắc. Vào quý I, TikTok Shop chứng kiến tăng trưởng doanh số giao dịch (GMV) mạnh nhất, đến 113,8%, giúp thị phần mở rộng lên 35% từ mức 23% cùng kỳ 2024, theo Metric.

Viễn Thông