Sếp phải trả tiền tăng ca vì bắt họp online sau giờ làm

Trung QuốcVương thắng kiện công ty cũ khi tố họ liên tục yêu cầu tham gia họp trực tuyến sau giờ làm việc, phạt 200 nhân dân tệ mỗi lần không tham dự.

Hồ sơ vụ kiện thể hiện Vương bắt đầu làm việc tại một công ty kỹ thuật ở Bắc Kinh vào tháng 7/2020 với vai trò là kỹ sư và bị sa thải vào tháng 6/2023. Thông tin chi tiết về mức lương của anh tại công ty chưa được tiết lộ.

Anh đã nộp đơn tới cơ quan trọng tài lao động, yêu cầu công ty phải trả hơn 80.000 nhân dân tệ (300 triệu đồng) tiền làm thêm giờ.

Theo Vương, công ty cũ thường xuyên yêu cầu anh tham gia đào tạo thông qua các ứng dụng trực tuyến như Ding Ding và WeChat, ngoài giờ làm việc thông thường. Ai không tham dự sẽ phải “quyên góp tự nguyện” 200 nhân dân tệ (730.00 đồng).





Công việc không dừng sau cánh cửa nhà là tình trạng phổ biến của người lao động hiện đại. Ảnh: SCMP

“Công việc không dừng sau cánh cửa nhà” là tình trạng phổ biến của người lao động hiện đại. Ảnh: SCMP

Đáp lại, công ty cho rằng nhân viên chỉ được yêu cầu đăng nhập vào các buổi họp trực tuyến này mà không có nghĩa vụ phải phát biểu, thậm chí có thể chọn không nghe nội dung. Do đó, công ty lập luận nhân viên không thực sự đang làm việc nên không thể được trả tiền làm thêm giờ.

Vì cơ quan trọng tài không ủng hộ, Vương đưa vụ việc ra tòa.

Tòa án nhân dân cấp trung số 2 Bắc Kinh, nơi thụ lý vụ án, cho rằng bằng chứng do Vương cung cấp đã chứng minh việc công ty sắp xếp đào tạo trực tuyến sau giờ làm việc chính thức của nhân viên.

Dù công ty lập luận trách nhiệm của người lao động chỉ là đăng nhập và không cần nghe hay phát biểu, nhưng toà cho rằng điều này vẫn xâm phạm đến thời gian cá nhân của người lao động.

“Những hoạt động này diễn ra sau giờ làm việc, và người lao động không có quyền từ chối tham gia. Do đó, chúng nên được phân loại là làm thêm giờ”, tòa án nêu quan điểm.

Cuối cùng, tòa án ra phán quyết: Công ty phải bồi thường cho Vương 19.000 nhân dân tệ (70 triệu đồng) cho các giờ làm thêm.

Quyết định này được giới luật gia và người lao động Trung Quốc ủng hộ và coi vụ kiện “có ý nghĩa quan trọng”.

“Với sự phát triển của các công cụ truyền thông, việc xâm phạm vào đời sống cá nhân của nhân viên ngày càng phổ biến. Ngay cả khi không có mặt tại văn phòng hoặc không làm việc chính thức, một tin nhắn trên thiết bị di động cũng có thể kéo họ trở lại làm việc”, một người nêu quan điểm.

Các chuyên gia lĩnh vực lao động cũng cho rằng điều này buộc nhân viên phải trực tuyến mọi lúc, đồng nghĩa với việc lạm dụng thời gian. Họ cho rằng hình thức “làm thêm giờ ẩn” này không nên bị pháp luật bỏ qua.

Việc làm thêm giờ không được trả lương khá phổ biến trên thế giới, kể cả ở các nước nổi tiếng về luật lao động chặt chẽ bảo vệ người lao động. Ví dụ người Australia làm việc ngoài giờ trung bình sáu tuần không được trả lương mỗi năm. Con số đó tương đương với hơn 92 tỷ AUD (60 tỷ USD) tiền lương chưa được trả trên toàn nền kinh tế.

Khảo sát tại Anh cho thấy trung bình một nhân viên làm thêm 215 giờ mỗi năm – trong đó gần một nửa không được trả lương. Trong 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi, 72% thừa nhận đã liên lạc với nhân viên ngoài giờ làm việc.

“Quyền ngắt kết nối” với sếp và công ty sau giờ làm được nhiều quốc gia luật hóa, như Australia, Pháp, Tây Ban Nha và các quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu. Luật cho phép người lao động có quyền bỏ qua các cuộc gọi và tin nhắn từ sếp ngoài giờ làm việc mà không bị phạt, đồng thời áp mức phạt với các sếp vi phạm.

Hải Thư (Theo SCMP, People Management)