Hà NộiBị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty CP Đất hiếm Việt Nam, nói do quy định “mập mờ, phi logic” nên đã hiểu sai, bị vướng tội buôn lậu, “rất bức xúc”.
Ngày 13/5, TAND Hà Nội bước vào ngày xét xử thứ hai với 27 bị cáo trong vụ án khai thác trái phép, buôn lậu đất hiếm và gây ô nhiễm môi trường tại Công ty CP tập đoàn Thái Dương. Liên quan sai phạm còn có 7 cựu cán bộ Bộ Tài nguyên Môi trường và Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, trong đó có cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc.
VKS cáo buộc, do các cán bộ này cấp phép sai, tạo cơ hội cho Công ty Thái Dương khai thác lậu, bán được hơn 736 tỷ đồng đất hiếm và quặng sắt. Số tài nguyên này sau đó được ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bán chui cho hai doanh nghiệp, trong đó có Công ty CP Đất hiếm Việt Nam. Đôi bên thống nhất việc xuất hóa đơn VAT thấp hơn đơn giá thực tế, chỉ xuất hóa đơn một phần khoáng sản, để tài sản ngoài sổ sách kế toán.

Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty Đất hiếm Việt Nam, tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Dự
Năm 2019-2023 công ty Tuấn mua của Thái Dương hơn 3.500 tấn quặng đất hiếm – tổng 142 tỷ đồng, đơn giá 40.622 đồng/kg. Tuy nhiên, hóa đơn chỉ thể hiện 765 tấn (1/5 lượng thực tế), trị giá ghi trên hóa đơn là 10,7 tỷ đồng, đơn giá 14.000 đồng/kg (1/3 giá thực). Sau các phi vụ này, doanh thu và lợi nhuận tăng cao trong khi nguồn nguyên liệu mua của Thái Dương không có hóa đơn, Tuấn chỉ đạo nhân viên mua hóa đơn khống.
Ông Tuấn do đó bị truy tố tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Khai tại tòa sáng nay, ông Tuấn nói lưu loát, dẫn nhiều điều luật, nghị định, thông tư. Bị cáo khai học chuyên ngành hóa học và hiểu biết rất rõ về đất hiếm – là nguyên liệu phục vụ xuất khẩu để tinh chế sản phẩm riêng rẽ phục vụ công nghiệp điện tử, hàng không và xe điện, chủ yếu xuất khẩu sang Nhật.
Bị cáo cho rằng từ 1976 đến nay Việt Nam chưa từng có đất hiếm xuất khẩu sang Nhật Bản và “công ty bị cáo là duy nhất đến tận thời điểm này”.
Với cáo buộc “mua nhiều kê khai ít”, ông Tuấn thừa nhận nhưng nói “buộc phải đồng ý” với đề xuất của Huấn. Bị cáo giãi bày do lúc đó đang ở Mỹ, ông Huấn gọi điện cho kế toán của bị cáo và nói “từ nay sẽ không xuất hóa đơn mua bán nữa”.
Số hàng không xuất hóa đơn, Tuấn nói “không cần phải hợp thức” do nguyên liệu mua về một phần để làm đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, quá trình sản xuất chế biến thử nghiệm tổn hao mất mát rất nhiều.
‘Quy định mập mờ khiến bị cáo hiểu sai’
Đối với tội danh Buôn lậu, ông Tuấn nói “có nhiều uẩn khúc” cần được nói.
Theo cáo buộc, sau khi mua hơn 3.500 tấn quặng đất hiếm của Thái Dương, với lượng Tổng ôxit đất hiếm (TREO) chỉ 18-20%, khi chế biến, Tuấn chỉ đạo thêm Muối Carbonate nhập từ Trung Quốc để nâng hàm lượng TREO lên 95% và xuất khẩu 474 tấn cho các công ty nước ngoài, tổng trị giá 379 tỷ đồng.
Quá trình xuất khẩu, ông Tuấn cùng các nhân viên xuất khẩu khi không đủ điều kiện, khai báo sai mã hàng hóa, vi phạm pháp luật để được miễn thuế thay vì chịu thuế 10% theo quy định.
Phân trần, ông Tuấn nói xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài “rất đơn giản”, do dùng phương pháp hải quan điện tử, có thể làm khắp nơi trên thế giới. Các tờ khai điện tử này là bằng chứng chứng minh ông không làm sai.
“Tổng cục Hải quan có công văn gửi cơ quan điều tra nêu bị cáo không vi phạm gì và khai đúng các mã hàng, mô tả hàng hóa và xuất đúng chủng loại và trong công văn cũng ghi ‘trong trường hợp xuất khẩu 100% nguyên liệu trong nước thì vẫn được miễn thuế trong một số trường hợp'”, ông Tuấn nói.
Hơn nữa, theo bị cáo, đây là loại hàng khuyến khích xuất khẩu và Luật Hải quan đều nói đó là hàng miễn thuế xuất khẩu.
Chủ tọa để ông Tuấn trình bày hết ý, dẫn nhiều điều luật, sau đó chậm rãi hỏi lại: “Thế VKS truy tố bị cáo sai à?”.
Ông Tuấn không trả lời thẳng mà phân trần: “Do Thông tư của Bộ Công Thương rất không rõ ràng, không hề logic tí nào khi phân mục đánh mã hàng hóa để quy thuế xuất khẩu”.
Ví dụ có chỗ nói chỉ được xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu trong nước với hàm lượng 99%, nhưng Thông tư 23 lại cho xuất khẩu chất có hàm lượng đất hiếm 56%. “Thế là 56% được phép xuất khẩu, còn đến 99% lại không được xuất khẩu, rồi trên 99% lại được xuất khẩu sao? Quy định thế là sai, không rõ ràng và rất mập mờ, làm cho hệ thống hải quan cũng không áp dụng được”, ông Tuấn nói dồn dập, gay gắt.
Bị cáo nói “rất bức xúc về vấn đề này”, nhưng nếu không nhận tội thì coi như mất tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo “nên thôi, tốt nhất là nhận”.
Phát ngôn này của Tuấn lập tức bị chủ tọa Trần Nam Hà chấn chỉnh: “Bị cáo nói thế là sai. Nếu bị cáo cho rằng mình không vi phạm, không có tội thì phải thể hiện quan điểm của mình chứ không phải nhận cho xong, thỏa thuận nhận tội như các nước tư bản để được giảm nhẹ”.
Xin trả lại 40 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm
Trong số tài sản bị kê biên, ông Tuấn hiện có 5 triệu cổ phần của Công ty Đất hiếm Việt Nam, tổng trị giá 50 tỷ đồng. Ngoài ra, có 20 sổ tiết kiệm tổng giá trị 40 tỷ đồng đứng tên Phó giám đốc Đỗ Hạnh Hương, ông Tuấn xin được tòa trả lại.

Đỗ Hạnh Hương, Phó giám đốc Công ty Đất hiếm Việt Nam. Ảnh: Phạm Dự
Ông này khai đây là tiền một đối tác Hàn Quốc gửi để công ty đầu tư ngược sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, chủ tọa truy: “Gửi cho công ty sao lại để tài khoản cá nhân và mang đi gửi tiết kiệm?”.
Ông Tuấn giải thích, việc đầu tư nước ngoài rất lâu, từ ngày họ gửi tiền đến nay vẫn chưa xong thủ tục. Biết điều này nên bị cáo đã nói với nhân viên mang gửi tiết kiệm, tránh để tiền không có mục đích rõ ràng trong tài khoản và “không có mục đích hưởng lãi lời gì cả”.
Khai báo sau đó, bà Hương xác nhận nội dung ông Tuấn đã trình bày. Về việc bị truy tố tội Buôn lậu với vai trò đồng phạm, Hương nói chỉ ký các hợp đồng xuất hàng đi, không trực tiếp mở tờ khai, không biết Tuấn chỉ đạo nhân viên mở tờ khai mã hàng thế nào, không biết làm vậy sai quy định luật.
Bà Hương không thắc mắc về tội danh, nhận thức hành vi đã “gián tiếp giúp sức công ty trong xuất khẩu trái phép”.
“Bị cáo gián tiếp thế ai trực tiếp?”, tòa hỏi. Hương đáp: “Do ông Tuấn chỉ đạo nhân viên”.
Bị tòa xét hỏi, Phạm Xuân Hậu (nhân viên xuất nhập khẩu của công ty, trực tiếp làm thủ tục nhập và xuất hàng hóa, mở tờ khai) thừa nhận khi mở tờ khai cũng thấy loại hình tờ khai sai, dẫn đến công ty không phải nộp thuế. Đúng ra loại hình tờ khai phải là B11, thuế 10%.
Theo Hậu, bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của sếp, khai tờ E62 để hàng được miễn thuế. “Các lô hàng khi đã mở tờ khai, các sếp đã ký hợp đồng và thỏa thuận với đối tác xong rồi”, nhân viên này nói.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện VKS.
Thanh Lam