Sản phẩm chứa chất cấm vẫn được bán trên sàn thương mại điện tử

chất cấm - Ảnh 1.

Các sản phẩm chứa chất cấm đã được Cục An toàn thực phẩm cảnh báo – Ảnh: Cục An toàn thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay đã có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) về việc phối hợp rà soát, xử lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm đang được kinh doanh, quảng cáo trên môi trường mạng.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết đã phát hiện trên một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website, mạng xã hội đang kinh doanh, quảng cáo 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen chứa chất cấm đã được cục cảnh báo.

Bộ Y tế yêu cầu tháo gỡ quảng cáo trên sàn giao dịch điện tử 2 thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm sibutramine này.

Trước đó ngày 29-4, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn gửi 63 tỉnh thành trên toàn quốc về việc giám sát, thu hồi 2 sản phẩm nêu trên do có chứa chất cấm sibutramine (theo báo cáo kết quả mẫu giám sát chủ động mối nguy về an toàn thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia).

Cục An toàn thực phẩm khẳng định trong 2 sản phẩm trên, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold chưa được công bố, số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố ghi trên bao bì là không đúng.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Best Slim Collagen do Công ty TNHH thiết bị y tế Hoa Anh Đào công bố đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố 4844/2019/Đ KSP ngày 7-5-2019, tuy nhiên Công ty TNHH thiết bị y tế Hoa Anh Đào báo cáo không nhập khẩu lô sản phẩm Best Slim Collagen (Lot/production should be used before #29L367-01/2027) (công văn số 944/ATTP-PCTTR).

Đồng thời Cục An toàn thực phẩm đã đăng tin cảnh báo phát hiện 2 sản phẩm chứa chất cấm sibutramine trên website của cục đến người tiêu dùng.

Để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước; Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp trong công tác quản lý các sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương tháo gỡ nội dung quảng cáo các sản phẩm nêu trên ở các sàn giao dịch thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử; tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử, không để các sản phẩm giả, đã bị thu hồi được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Bộ Y tế yêu cầu tháo gỡ quảng cáo trên sàn giao dịch điện tử 2 thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm sibutramine – Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháo gỡ nội dung quảng cáo các sản phẩm nêu trên ở các website, đồng thời yêu cầu Facebook, YouTube xem xét, tháo gỡ, đóng các quảng cáo sản phẩm vi phạm nêu trên.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm soát việc lưu hành các sản phẩm vi phạm nêu trên, kịp thời xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

Kết quả xử lý đề nghị thông báo cho Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp.

Chất cấm gây nguy hiểm đến sức khỏe

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, sibutramine là loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn, chứa hoạt chất có tác dụng giúp người béo phì giảm cân nhưng lại ảnh hưởng xấu tới tim mạch, đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim, huyết áp cao hoặc đột quỵ.

Tại Việt Nam, ngay từ năm 2010 Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu sibutramine.

Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.