Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội để phục vụ tổ chức bầu cử sớm – từ đó đẩy nhanh quá trình kiện toàn nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước.
Sáng 12/5, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề xuất nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 kết thúc vào đầu tháng 4/2026 thay vì ngày 20/7/2026 như quy định.
Theo bà Thanh, việc rút ngắn thời gian là cần thiết để thu hẹp khoảng cách giữa Đại hội Đảng toàn quốc (đầu năm 2026) với kỳ họp thứ nhất của Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ mới. Mục tiêu là bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, ổn định và xuyên suốt trong phân công cấp ủy viên khóa mới vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.
Bên cạnh đó, việc sớm kiện toàn bộ máy cũng giúp cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới triển khai kịp thời nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14 và đại hội đảng bộ các cấp.
Phó chủ tịch Quốc hội cho biết sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chọn thời điểm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày 15/3/2026. “Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa 15 ba tháng là cần thiết”, bà Thanh nhấn mạnh.
Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu vào ngày 23/5/2021. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 15 khai mạc ngày 20/7/2021, HĐND các cấp cũng được triệu tập vào thời gian tương đương. Theo quy định hiện hành, nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND các cấp sẽ kết thúc vào ngày 20/7/2026. Nếu giữ nguyên thời gian này sẽ khiến giai đoạn chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức bộ máy lãnh đạo mới.
Đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ sẽ được đưa ra thảo luận tại hội trường và trình Quốc hội thông qua vào ngày 21/5.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Rút ngắn một số quy trình bầu cử
Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ủy ban Công tác đại biểu (cơ quan soạn thảo) cho biết dự luật tập trung điều chỉnh quy định phục vụ tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, lược bỏ toàn bộ các quy định về HĐND cấp huyện; đại biểu HĐND cấp huyện; UBND cấp huyện; các tổ chức phụ trách bầu cử cấp huyện.
Dự luật cũng giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử. Trong đó, thời điểm cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử đến ngày diễn ra bầu cử là 42 ngày (hiện hành là 70 ngày). Thời gian từ khi nộp hồ sơ ứng cử đến ngày cuối cùng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai xuống còn hai ngày (hiện là 5 ngày); từ thời hạn cuối công bố, niêm yết danh sách người ứng cử đến ngày bầu cử xuống còn 16 ngày (hiện là 20 ngày).
Sau khi cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục, thời gian khai mạc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 16 sớm nhất có thể là 22 ngày sau bầu cử. Với các quy định mới này, khoảng cách thời gian ngắn nhất từ hạn cuối nộp hồ sơ ứng cử đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới dự kiến rút ngắn được khoảng gần 40 ngày.
Đồng thời, dự luật cũng đa dạng hóa hình thức vận động bầu cử, gồm cả trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Việc này giúp tăng cường sự tương tác giữa người ứng cử và cử tri và kịp thời ứng phó nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tình huống đột xuất trong thời gian tổ chức bầu cử.
Sơn Hà