PVOIL đang quan tâm và muốn đầu tư dự án đường ống ngầm cung cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành, theo CEO Nguyễn Đăng Trình.
Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 25/4, ông Nguyễn Đăng Trình – Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết toàn bộ nhiên liệu bay cho sân bay Long Thành được chuyển từ kho đầu nguồn tới sân bay qua hệ thống đường ống ngầm.
PVOIL – đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm khoảng 23% thị phần cả nước – cùng một số nhà đầu tư khác đang quan tâm và muốn đầu tư dự án đường ống ngầm dẫn nhiên liệu vào sân bay Long Thành. Chủ đầu tư dự án đường ống ngầm này sẽ được thu phí khi các bên chuyển nhiên liệu. Hiện tỉnh Đồng Nai chưa lựa chọn đơn vị triển khai.
“Dựa trên nhu cầu nhiên liệu của sân bay Long Thành, PVOIL đánh giá dự án đảm bảo hiệu quả kinh doanh tốt”, ông Trình nói thêm.

Ban lãnh đạo PVOIL tại phiên họp cổ đông, ngày 25/4. Ảnh: PVOIL
Từ đầu năm nay, PVOIL được Bộ Công Thương cấp phép xuất nhập khẩu nhiên liệu bay Jet A1. Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai vào cuối năm ngoái, doanh nghiệp này từng đề xuất xây tuyến ống ngầm Jet A-1 cung cấp nhiên liệu từ kho đầu nguồn cảng Gò Dầu về sân bay Long Thành (huyện Long Thành). Theo đó, tuyến ống ngầm này sẽ có chiều dài khoảng 22 km, gồm 16 km đi phía ngoài ranh sân bay Long Thành và 6 km đi trong khu vực sân bay.
Theo tỉnh Đồng Nai, dự án tuyến ống ngầm cung cấp nhiên liệu cho sân bay Long Thành là công trình thiết yếu, cần hoàn thành cơ bản vào cuối 2025 để phục vụ việc vận hành, khai thác dự án trong 2026.
Ngoài PVOIL, một số doanh nghiệp xăng dầu khác như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec) cũng quan tâm dự án này. Tại cuộc họp hồi tháng 4, Petrolimex đề nghị thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, gồm 3 hạng mục cảng, kho và tuyến ống.
Năm nay, PVOIL đặt mục tiêu doanh thu 97.500 tỷ và lợi nhuận trước thuế 780 tỷ, tức tăng 23% so với năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên giả định giá dầu thô bình quân là 65 USD một thùng. Quý đầu năm, họ thu 32.600 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Song công ty lỗ trước thuế 6 tỷ đồng, trong khi quý I năm ngoái lãi trước thuế 299 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo tổng công ty, ba tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động. Giá nhiên liệu thế giới trong quý giảm 9% so với cùng kỳ, mức 75 USD một thùng và tiếp tục đi xuống trong tháng 4, còn 68 USD. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường thấp, chiết khấu cao, tỷ giá tăng từ cuối tháng 2.
“Giá dầu thế giới 60-70 USD một thùng là tương đối thấp so với kỳ vọng”, CEO Nguyễn Đăng Trình nói, cho biết lẽ ra diễn biến như vậy sẽ khiến doanh nghiệp “lỗ và lỗ rất nhiều”. Song, doanh nghiệp vượt qua nhờ quản lý linh hoạt lượng hàng tồn kho.

Người dân đổ xăng tại cây xăng trên Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 9/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Chủ tịch PVOIL Cao Hoài Dương giải thích thêm thị trường xăng dầu có nhiều biến động khó lường trước, gồm khó khăn và thuận lợi. Tuy nhiên, theo ông Dương, nếu “có thêm chút may mắn”, họ sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 780 tỷ đồng với mức tăng trưởng 23% năm nay.
Ngoài ra, hoạt động bán lẻ và biên lợi nhuận của doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu thứ 2 cả nước cũng được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi, khi họ mở rộng thêm hệ thống cây xăng trên cả nước, với 866 cửa hàng.
Họ đang mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực “phi xăng dầu”, bổ sung doanh thu và giảm rủi ro trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Chẳng hạn, PVOIL hợp tác cùng VinFast vận hành trạm sạc tại các cây xăng. Mạng lưới này hiện có trên 400 trạm, với gần 2.300 trụ sạc trên toàn quốc. Doanh nghiệp này cũng thử nghiệm mô hình hợp tác mở kiot bán cà phê cùng Highlands Coffee tại một số trạm xăng.
Ngoài ra, mô hình trạm dừng nghỉ kết hợp cửa hàng xăng dầu, nhất là ở các tuyến quốc lộ, cao tốc cũng giúp “ông lớn” xăng dầu gia tăng sản lượng bán hàng. “Một số cửa hàng sau khi đầu tư thành trạm dừng nghỉ ghi nhận sản lượng bán tăng gấp đôi”, lãnh đạo PVOIL nói, cho biết họ dự tính phát triển khoảng 12-15 trạm dừng nghỉ trong hai năm tới.
Năm nay, công ty dự kiến đầu tư 1.099 tỷ đồng (hơn 65% từ vốn chủ sở hữu) cho hoạt động xây mới và cải tạo kho, cảng, cửa hàng xăng dầu và đầu tư mua sắm khác. Khoảng 70 cửa hàng sẽ được xây mới, cải tạo trong năm nay. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2024 ở mức 2,5% bằng tiền, tương đương số tiền trả cổ tức khoảng 258 tỷ đồng.
Phương Dung