Trước đó ngày 21/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang đã phối hợp Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Đức T (ở xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang tiến hành sản xuất, đóng gói thực phẩm với dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa. Nhiều sản phẩm được đóng gói hoàn chỉnh, dán tem nhãn ghi thông tin về tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất và nơi xuất xứ hàng hóa không đúng với thực tế.
Tang vật bị phát hiện và tạm giữ, gồm hơn 900 túi hàng đã đóng gói, dán tem hoàn chỉnh; 516 kg nguyên liệu thực phẩm; 25 kg túi nilon và 25 chiếc túi nilon in sẵn thông tin sản phẩm “bánh kem gấu Thiên Hồng”; hơn 4.700 tem, nhãn hàng hóa các loại. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn thu giữ các thiết bị, phương tiện phục vụ sản xuất.
![]() |
Công an Bắc Giang thu giữ tang vật liên quan vụ việc. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Giang |
Các sản phẩm thực phẩm bị thu giữ gồm chuối sấy giòn, bắp khô bò lá chanh, ngô nếp chiên bơ, đậu phộng mix vị, hoa quả sấy, táo đỏ, bánh nhãn, bánh kem gấu… Những mặt hàng này đều mang nhãn giả, in thông tin sai lệch về nơi sản xuất, đóng gói hoặc phân phối, như địa chỉ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Bình Phước, Đồng Nai, trong khi thực tế là do ông Nguyễn Đức T tự sản xuất.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đức T khai nhận đã đặt mua nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng internet, đồng thời tự mua máy móc và đặt in tem nhãn giả mang tên các cơ sở kinh doanh khác. Sau đó, ông trực tiếp đóng gói sản phẩm, dán tem nhãn giả và sử dụng xe ô tô tải cá nhân để phân phối hàng tới các đại lý, cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhằm kiếm lời.
Theo ông T, các sản phẩm đều không được sự ủy quyền hay hợp tác từ bất kỳ tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp nào có tên, địa chỉ ghi trên bao bì. Mục đích của việc ghi nhãn sai lệch là nhằm tạo lòng tin cho người tiêu dùng và dễ dàng tiêu thụ hàng hóa.