
Nước giải khát Chương Dương sở hữu thương hiệu nước sá xị Chương Dương – Ảnh: SCD
Công ty Nước giải khát Chương Dương lỗ ròng hơn 65,5 tỉ đồng trong năm 2024. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong năm nay, đây sẽ là năm thứ năm liên tiếp “ông vua” sá xị rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, với nợ phải vượt hơn 10% tổng tài sản của công ty.
Ban lãnh đạo Nước giải khát Chương Dương dự tính trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, với mục tiêu cải thiện hiệu suất kinh doanh như tăng sản lượng hàng bán 38% so với năm 2024, thông qua mở rộng mạng lưới phân phối tại miền Nam và miền Trung.
Đồng thời, doanh nghiệp sẽ ra mắt sản phẩm mới góp phần giúp doanh thu dự kiến tăng 42%, tương đương 77 tỉ đồng. Tuy nhiên, “vua sá xị” dự tính lỗ sau thuế hơn 80 tỉ đồng trong năm nay, chủ yếu do phí sử dụng đất ước tính vẫn ở mức cao, bên cạnh việc phát sinh chi phí lãi vay liên quan đến khoản vay trước đó.
Theo kế hoạch ban đầu, hội đồng quản trị đề xuất phương án vay công ty mẹ (Sabeco) 65 tỉ đồng trong năm nay và 45 tỉ đồng trong năm 2026, giải ngân tối đa 2 lần/năm để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, công ty này đã rút tờ trình về phương án vay Sabeco khỏi chương trình Đại hội, với lý do cần thêm thời gian để xem xét nội dung này.
Nước giải khát Chương Dương được thành lập từ năm 1952 với tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I của Pháp, từng được mệnh danh là ông vua nước giải khát sá xị.
Sản phẩm của công ty hiện được phân phối chủ yếu từ khu vực Trung Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, công ty đã liên tục ghi nhận lỗ từ năm 2021 đến nay, với các nguyên nhân chính như chi phí tăng cao do di dời nhà máy về Nhơn Trạch, thay đổi nhân sự cấp cao, gây gián đoạn trong quản lý và vận hành.
Đồng thời, dự án cho thuê nhà kho, nhà xưởng tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương) của công ty chưa đạt công suất tối đa, dẫn đến doanh thu thấp hơn dự kiến. Ngoài ra, chi phí thuê đất tăng mạnh do các quy định mới về đất đai áp dụng từ tháng 8-2024. Tổng chi phí thuê đất trong ba năm qua của công ty này là hơn 105 tỉ đồng và dự kiến năm 2025 là 48,5 tỉ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, thị trường nước giải khát Việt Nam năm 2024 đạt doanh số hơn 8,7 tỉ USD, với một số xu hướng nổi bật.
Người tiêu dùng chuyển dịch từ đồ uống có đường sang các sản phẩm tự nhiên, ít đường hoặc không đường như nước ép trái cây nguyên chất, sữa hạt, trà thảo mộc và nước uống bổ sung dưỡng chất (collagen, probiotic).
Ý thức bảo vệ môi trường ngày càng cao, khiến người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm sử dụng bao bì tái chế và quy trình sản xuất bền vững. Ngoài ra, sự cá nhân hóa về hương vị và mẫu mã sản phẩm trở thành yếu tố cạnh tranh quan trọng.
Những xu hướng này đặt ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước giải khát, nhưng cũng là thách thức nếu không kịp thời đổi mới sản phẩm và quy trình sản xuất.