Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết sẽ giúp GPBank có lãi 500 tỷ đồng năm nay, trong khi trước đó ngân hàng này vẫn báo lỗ hơn 1.000 tỷ mỗi năm.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) hồi đầu năm nay, với giá 0 đồng. Trong phiên thảo luận tại cuộc họp thường niên chiều 28/4, kế hoạch phát triển GPBank thời gian tới là câu chuyện được các cổ đông VPBank quan tâm.
“Ban lãnh đạo VPBank sẽ có chiến lược thế nào để phát triển GPBank sau khi nhận chuyển giao bắt buộc”, một cổ đông hỏi. Theo đề án, GPBank sẽ được VPBank hỗ trợ trong việc định hướng mô hình kinh doanh, xử lý thu hồi các khoản nợ, khắc phục tình trạng lỗ lũy kế và ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Trả lời trước các cổ đông, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, cho biết trước khi nhận chuyển giao, GPBank lỗ hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. “Dù năm nay còn 8 tháng, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu ngân hàng này có lãi 500 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi lỗ kéo dài”, ông Dũng khẳng định. GPBank đã không công bố báo cáo tài chính kể từ năm 2011.
Ông Dũng chia sẻ thêm, VPBank đã nghiên cứu, chuẩn bị nhiều phương án và tự tin tái cơ cấu thành công nhà băng này. Ngân hàng mẹ cũng đã cử nhân sự có kinh nghiệm sang điều hành GPBank và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ông Ngô Chí Dũng (ở giữa) – Chủ tịch VPBank tại đại hội cổ đông ngày 28/4. Ảnh: VPBank
Theo đó, ngày 25/4, bà Phạm Thị Nhung đã được VPBank bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên GPBank. Bà sẽ thôi chức Phó tổng giám đốc VPBank để đảm nhận nhiệm vụ mới, nhưng vẫn tham gia Hội đồng quản trị ngân hàng này.
Năm nay, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2024, trong đó ngân hàng mẹ dự kiến góp hơn 22.200 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 23% lên hơn 1,1 triệu tỷ đồng.
Cổ tức cũng là câu chuyện được cổ đông VPBank quan tâm tại đại hội năm nay. “Ban lãnh đạo sẽ chia cổ tức tỷ lệ bao nhiêu cho những năm tới”, một cổ đông hỏi. Năm 2024, VPBank dự kiến trả cho cổ đông tỷ lệ 5% bằng tiền, tương ứng số tiền chi ra khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nói việc chia cổ tức tiền mặt sẽ làm giảm nguồn vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, nhà băng vẫn hướng đến mục tiêu tăng trưởng dài hạn và lợi ích của các cổ đông. Vì vậy, ngân hàng đề xuất chia cổ tức năm 2024 tỷ lệ 5% bằng tiền.
Ông Ngô Chí Dũng cho biết VPBank sẽ duy trì chiến lược trả cổ tức bằng tiền 5 năm liên tiếp kể từ 2022. Năm ngoái là năm thứ ba trong kế hoạch này. “Mức cổ tức những năm tới sẽ phụ thuộc vào tình hình vĩ mô và tài chính thực tế của ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn sẽ chia cổ tức nốt 2 năm còn lại”, Chủ tịch nhà băng này khẳng định.
Trước đó, VPBank đã có 12 năm liên tiếp không chia cổ tức trong giai đoạn 2010-2021. Theo ông Ngô Chí Dũng, việc này nhằm đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngân hàng. Kể từ năm 2022, nhà bằng này đã chi khoảng 20.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông, hướng đến việc cân bằng giữa việc phát triển quy mô và lợi ích của nhà đầu tư.
Trọng Hiếu