Ông Lưu Bình Nhưỡng được giảm một năm tù

Thái BìnhÔng Lưu Bình Nhưỡng được giảm từ 13 xuống 12 năm tù; ông Lê Thanh Vân bị bác kháng cáo kêu oan vì “tố tụng có sai sót nhưng không thay đổi bản chất vụ án”.

Trưa 16/5, bản án được TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên sau hai ngày xét xử.

Cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, 62 tuổi, được HĐXX ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ mới, nên giảm một năm tù ở tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi – xuống còn 9 năm.

Ở hành vi Cưỡng đoạt tài sản, tòa phúc thẩm giữ nguyên mức án 3 năm tù vì số tiền cưỡng đoạt lớn, không có căn cứ giảm nhẹ. Như vậy, ông Nhưỡng phải chịu hình phạt tổng hợp là 12 năm tù.

Kháng cáo kêu oan của cựu đại biểu Lê Thanh Vân và cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Vương đều không được tòa chấp nhận do không có căn cứ. Tòa giữ nguyên mức án sơ thẩm của hai bị cáo lần lượt 7 năm và 14 năm cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Trước đó, nói lời sau cùng, ông Nhưỡng cho biết thực sự ăn năn hối cải. Như phiên tòa trước, ông đã xin lỗi Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân, những người luôn đặt niềm tin và ủng hộ. Từ khi bị bắt tạm giam đến phiên tòa hôm nay, bị cáo đã nghiêm chỉnh cải tạo bản thân, bệnh nặng, “ngày nào cũng phải uống thuốc”.

Tiếp lời, ông Nhưỡng cho hay, bản thân cũng như “anh Vân” (bị cáo Lê Thanh Vân) khi là Đại biểu Quốc hội đã nhận rất nhiều đơn thư của người dân và đã cố gắng “hết sức mình vì lợi ích cử tri và doanh nghiệp”.





Phiên tòa do thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa. Ảnh: Danh Lam

Phiên tòa do thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa. Ảnh: Danh Lam

‘Quá trình tố tụng có sai sót nhưng không thay đổi bản chất vụ án’

Trước đó, trong phần tự bào chữa, ông Vân nói trong hơn một giờ, cho rằng cơ quan điều tra, tố tụng và tòa sơ thẩm có nhiều vi phạm “đặc biệt nghiêm trọng”, quy chụp hoạt động bình thường của một Đại biểu Quốc hội thành vi phạm hình sự. Ông Vân khẳng định vô tư khách quan khi giúp cử tri, không nhằm mục đích hưởng lợi.

Ông thừa nhận việc gọi điện, ký chuyển đơn đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo Chính phủ, liên quan đến dự án của 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ xuất phát từ mong muốn bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Về việc giúp Công ty Trường Sinh, ông Vân cho biết đã gọi điện cho Bí thư tỉnh Quảng Ninh. Doanh nghiệp sau đó khi “tình cờ gặp lại tại phòng làm việc của ông Nhưỡng” đã chạy theo “dúi vào túi” 10 triệu đồng để cảm ơn, không phải 60 triệu và ông đã trả lại.

Tại phần tranh luận, các luật sư và VKS đối đáp từ chiều qua đến trưa nay, trong khoảng 7 giờ.

Luật sư của ông Vân đề nghị tòa tuyên thân chủ vô tội, và trả tự do ngay tại tòa. Trong đó, 4 luật sư liệt kê 10 hành vi bị cho là sai phạm của cơ quan điều tra, tố tụng và tòa án sơ thẩm như: việc bắt giữ người; thu thập chứng cứ, lấy lời khai, chứng cứ buộc tội có biểu hiện quy chụp; lấy lời khai bị can và nhân chứng, người liên quan không khách quan; các bản cung với bị can được lấy khi không được ghi âm, ghi hình… Ngoài ra, theo các luật sư, một số có dấu hiệu vi phạm tố tụng “đặc biệt nghiêm trọng” như 2 lời khai của hai nhân chứng cách nhau 3 tháng nhưng lại “giống hệt nhau từng dấu chấm, dấu phẩy”…

Đối đáp qua 4 lượt, VKS giữ nguyên quan điểm khẳng định bị cáo Vân “không oan”. Việc ông Vân chuyển đơn cử tri theo luật là không sai nhưng việc chuyển đơn để nhằm hưởng lợi ích vật chất là sai.

Trước quan điểm của luật sư cho rằng ông Vân đều “vô tư khách quan” khi giúp đỡ, VKS phản đối và viện dẫn chính lời khai của ông Vân khi điều tra, rằng “do người quen nên giúp”. “Vậy không phải quen biết trước, không phải chỗ thân tình thì có giúp không?”, VKS lập luận.

Theo đại diện VKS, các đơn thư, sự vụ đều do ông Vân biết qua các quan hệ cá nhân; tiếp dân không tại trụ sở; không có đơn thư nhưng đã lập tức gọi điện tác động đến các quan chức địa phương, ảnh hưởng hoạt động đúng đắn của cơ quan có thẩm quyền. Các lời khai, bằng chứng và tin nhắn đều thể hiện rõ ông Vân có sự thúc giục, tác động rõ ràng chứ không đơn thuần là chuyển đơn của cử tri một cách vô tư.

Về việc 7 bản cung của bị cáo Vương trong vụ việc được lấy mà không có ghi âm, ghi hình, VKS cho hay “đã hỏi ý kiến nhưng Vương từ chối”. Hơn nữa, đó không phải các tài liệu duy nhất cơ quan công tố dùng buộc tội bị cáo.

Trong lượt đối đáp thứ 5, cũng là lượt cuối cùng, VKS thừa nhận trong quá trình điều tra, tố tụng “có sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất phạm tội của các bị cáo và bản chất vụ án”, tái khẳng định ông Vân “không oan”.

Đánh giá toàn bộ diễn biến sau đó, HĐXX đồng quan điểm với VKS, xác định quá trình tố tụng, những người có thẩm quyền “có ít nhiều sai sót, nhưng không làm ảnh hưởng bản chất vụ án”. Cấp sơ thẩm cũng cần rút kinh nghiệm, tòa nêu.

Trong khi đó, người kêu oan còn lại là bị cáo Vương phủ nhận vai trò “khởi xướng, chủ mưu” trong sự việc liên quan dự án 36 ha tại Hạ Long và nhờ vả, hứa hẹn lợi ích vật chất với hai ông Nhưỡng và Vân.

Ông Vương bị cáo buộc trực tiếp gặp ông Nhưỡng và Vân nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó thủ tướng thường trực. Mục đích của Vương là giúp đỡ để Công ty Hạ Long được tiếp tục triển khai dự án 36 ha.

Sau khi đã nhận 3,3 tỷ đồng của Công ty Hạ Long và được hứa sẽ nhận 10% số đất của dự án 36 ha, Vương hứa cho ông Nhưỡng và Vân mỗi người một lô đất 1.000 m2 giá trị 1,9 tỷ đồng. Trong phi vụ này, Vương bị xác định nhằm hưởng lợi 13.349 m2 đất dự án, trị giá hơn 26 tỷ đồng.

Vương tại tòa khẳng định thấy dự án tiềm năng, muốn nó được triển khai tiếp với mục đích sau đó mua lại. Vương nói đã “lừa dối” hai cựu đại biểu Quốc hội khi nói tặng đất Đông Anh cho họ vì thực chất đất không phải của mình.

Sau nhiều lần xét hỏi và bào chữa, đối đáp, ông Vương nói gần như khóc, thừa nhận hành vi, nhưng vẫn kêu oan.

Thanh Lam